Tuyển sinh bằng đánh giá năng lực: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục

GD&TĐ - Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố, đang thu hút sự quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến rộng rãi của dư luận. 

Tuyển sinh bằng đánh giá năng lực:  Đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục

Đa số các ý kiến cho rằng, những điều chỉnh do Bộ GD&ĐT đề xuất trong dự thảo, đặc biệt là về tuyển sinh vào lớp 6 THCS với phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay, là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đánh giá năng lực để tạo công bằng

Làm rõ hơn về sự cần thiết của những đề xuất trong dự thảo, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tháng 3/2015, Bộ GD&ĐT có Công văn số 1258 hướng dẫn thực hiện Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT hiện hành, đã khẳng định cấp THCS là cấp học phổ cập nên không thi tuyển đầu vào. Trong đó quy định, với các cơ sở GD có số lượng HS đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu thì xây dựng phương án xét tuyển và trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Nhưng sau đó, nhiều trường có ý kiến rằng, nếu không thi thì không tuyển được. Một số trường lấy bằng khen, giải thưởng làm tiêu chí phụ để xét tuyển dẫn đến phụ huynh tìm cách cố gắng có giải các cuộc thi để được vào.

Do đó, Bộ GD&ĐT tìm giải pháp để tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là bỏ bớt một số cuộc thi. “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có chỉ đạo rà soát các cuộc thi. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng ký công văn yêu cầu từ năm học 2017 - 2018 các Sở GD&ĐT không được lấy kết quả các cuộc thi do Sở tổ chức hoặc kết quả các cuộc thi quốc tế do Sở cử tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của HS. Đa số dư luận ủng hộ chủ trương này vì nhận thấy thực tế có vấn đề phát sinh” - TS Vũ Đình Chuẩn cho biết.

Trước ý kiến cho rằng nếu cho phép đánh giá năng lực, có thể tái diễn chuyện dạy thêm học thêm tràn lan, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nêu rõ, thực tế từ trước đến nay, một số đơn vị có tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận với kiến thức tổng hợp vì kết quả ít phụ thuộc vào chuyện học thêm.

“Chúng tôi thấy, một số đơn vị tổ chức bài trắc nghiệm năng lực thì việc dạy thêm, học thêm các môn văn hóa ở bậc tiểu học không xảy ra. Như Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) có bài khảo sát gần như bài phỏng vấn nhưng kiến thức tổng hợp viết bằng tiếng Anh. Như vậy có đi học thêm cũng khó làm được việc này” - TS Vũ Đình Chuẩn chỉ rõ.

Cũng theo ông, từ hạn chế của các cuộc thi trước đây, dự thảo sửa đổi công bố ngày 18/12 quy định chặt hơn, chỉ tuyển thẳng những học sinh đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay.

Thay đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Ủng hộ các nội dung trong dự thảo của Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, đây là thay đổi cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo ông, trên thực tế có những trường THCS gặp khó khăn trong tuyển sinh vào lớp 6 vì có số hồ sơ đăng ký vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trong trường hợp như vậy, các trường này buộc phải có động tác là tìm cách giảm bớt số lượng để lấy đủ học sinh mình có thể tiếp nhận. Vậy, việc Bộ GD&ĐT mở ra quy định này là cần thiết.

Phân tích về cách thức các nhà trường có thể lựa chọn HS thông qua xét tuyển, GS Đinh Quang Báo cho rằng, thiết thực nhất là dựa vào phân loại kết quả học tập ở tiểu học và có ưu tiên theo kết quả cao thấp của học bạ. Đây là giải pháp có nhiều ý nghĩa, vì nó tạo động lực để nâng cao chất lượng quá trình học tập. Tuy nhiên, trường có số lượng thí sinh đăng ký đông là trường chất lượng đào tạo tốt, phần lớn thí sinh đăng ký vào các trường này đều là học sinh có thành tích học tập nên việc lựa chọn khó khăn.

Vì khó khăn trên, nên phải vận dụng cả điểm ưu tiên. Nhưng có những trường dù đã sử dụng điểm ưu tiên nhưng danh sách học sinh đủ điều kiện vào vẫn nhiều hơn khả năng tiếp nhận. Đó là chưa kể, cách làm này có thể dẫn tới bệnh thành tích, “mưa giải thưởng” như đã từng diễn ra.

Nếu các trường sử dụng 2 cách trên mà số thí sinh vẫn nhiều hơn chỉ tiêu thì có thể bổ sung thêm phép chọn. Trong dự thảo sửa đổi Thông tư, phương án cách mà Bộ GD&ĐT đưa ra là: “Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS”. Theo GS Đinh Quang Báo, đây là phương án hợp lý trong điều kiện hiện nay của ngành GD.

Quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên trong dự thảo cũng bổ sung thêm Điều 4: “Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10”. Theo TS Vũ Đình Chuẩn, điều này phù hợp với hướng dẫn mới đây của Bộ GD&ĐT về việc tinh giản các cuộc thi, không tổ chức lập đội tuyển và không xét giải cấp trường, quận, tỉnh, toàn quốc đối với cuộc thi Giải Toán và Vật lý trên mạng, Cuộc thi tiếng Anh trên mạng, cuộc thi Giải Toán trên máy tính cầm tay… Điều này, cũng sẽ hạn chế tình trạng các trường “đau đầu” vì “mưa” giải thưởng như vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ