Tuyển sinh đại học 2024: Nhiều ngành mới hấp dẫn đáp ứng nhu cầu nhân lực

GD&TĐ - Trong phương án tuyển sinh dự kiến năm 2024, nhiều trường đại học sẽ mở các ngành mới.

Việc mở thêm chuyên ngành mới giúp học sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề. Ảnh: INT
Việc mở thêm chuyên ngành mới giúp học sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề. Ảnh: INT

Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số hoặc hội nhập quốc tế.

Hàng chục ngành, chuyên ngành mới

Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) là một trong số ít trường đầu tiên trên cả nước công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh 8 chương trình đào tạo mới theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (International Profession Oriented Program – IPOP).

Các chương trình đào tạo này gồm Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh), Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn), Marketing thương mại (ngành Marketing), Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế ICEAW CFAB (ngành Kế toán), Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng), Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính - Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính - Ngân hàng), Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực).

Ngoài ra, cũng trong năm 2024, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh thêm 2 chương trình đào tạo chuẩn gồm Công nghệ tài chính ngân hàng (ngành Tài chính - Ngân hàng) và Kinh doanh số (ngành Thương mại điện tử).

Tương tự, mùa tuyển sinh 2024, Trường Đại học Gia Định dự kiến mở thêm 3 chuyên ngành mới: Quản trị tài chính, Quản trị nguồn nhân lực, Xây dựng và Quản trị kênh truyền thông độc lập, bên cạnh 20 chương trình đào tạo đại trà và tài năng hiện có.

“Những chuyên ngành được đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong 5 đến 10 năm tới. Nhà trường đã có khảo sát về thị trường cũng như tìm hiểu mong muốn, nhu cầu học sinh THPT để đưa ra 3 chuyên ngành đào tạo mới này. Việc mở thêm chuyên ngành mới giúp học sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề”, TS Mai Đức Toàn lý giải việc mở thêm chuyên ngành.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho hay, mỗi chuyên ngành sẽ đào tạo chuyên sâu kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực. Mục tiêu của trường mở ra những chuyên ngành phù hợp với giới trẻ cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động, giúp sinh viên sau khi ra trường có thể tìm kiếm được việc làm như mong muốn.

Với Trường Đại học Công Thương TPHCM, dù chưa công bố phương án tuyển sinh dự kiến, song ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết, nhà trường sẽ mở thêm các ngành thuộc lĩnh vực Hóa mỹ phẩm, Logistics, Kiểm toán. “Chúng tôi định hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh theo hướng công nghệ, công nghệ thông tin, ngành lai giữa công nghệ thông tin và các ngành khác”, ThS Phạm Thái Sơn nói.

Ở khối Đại học Quốc gia TPHCM, từ nay đến năm 2027, các trường thành viên sẽ lên kế hoạch đào tạo hơn 1 nghìn kỹ sư Thiết kế vi mạch. Theo dự thảo đề án của Đại học này, chương trình đào tạo về Thiết kế vi mạch ở bậc đại học và sau đại học sẽ gắn liền với thực tiễn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm từ các quốc gia có thế mạnh và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ.

Trong năm 2024, một số trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin… Riêng Trường Đại học Công nghệ Thông tin, chỉ tiêu cho ngành này dự kiến là 150, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tăng cao của Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2030.

Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Bảo đảm chất lượng đào tạo

Dễ nhận thấy trong những năm gần đây, cuộc đua mở ngành ở các trường đại học xoay quanh lĩnh vực liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng IoT, kinh doanh số, công nghệ số…

ThS Phạm Thái Sơn - Trường Đại học Công Thương TPHCM nhận định, xu hướng công nghệ đang chiếm ưu thế. Trí tuệ nhân tạo, IoT… có mặt hầu hết lĩnh vực nên các ngành lai giữa công nghệ và kinh tế, kỹ thuật đang là xu hướng được thí sinh lựa chọn. Có thể kể đến các ngành như Marketing Digital, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Logistics…

Bên cạnh đó, các trường cũng chú ý mở các ngành đáp ứng nền kinh tế hội nhập. Khi giới thiệu về 8 ngành định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế IPOP, PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh 5 điểm nổi bật của các chương trình này.

Trong đó, nhà trường nhấn mạnh tính toàn diện của chương trình. Sinh viên được cung cấp kiến thức nền tảng liên ngành trong lĩnh vực kinh doanh - quản lý, giúp dễ dàng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc, vị trí việc làm. Người học được tiếp cận với những xu hướng mới về cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng AI trong kinh doanh… Ngoài ra, chương trình đáp ứng được tính quốc tế khi trên 1/3 thời lượng chương trình được học các học phần chuyên môn bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, ngoài việc mở ngành, chuyên ngành phù hợp xu thế phát triển của kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, các trường đại học phải đảm bảo được chất lượng đào tạo. TS Mai Đức Toàn - Trường Đại học Gia Định cho biết, để mở thêm các chương trình, chuyên ngành, hằng năm, nhà trường tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên cùng với chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn phong phú.

“Trường cũng liên tục đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên hiện hữu nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng các ngành đào tạo là công tác được nhà trường quan tâm chú trọng, đảm bảo trách nhiệm xã hội và quyền lợi của người học”, ông Mai Đức Toàn nhấn mạnh.

Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, để tuyển sinh chương trình Thiết kế vi mạch, nhà trường có đội ngũ 200 giảng viên các khoa Điện - Điện tử, Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Công nghệ vật liệu. Phần lớn giảng viên đều tốt nghiệp tiến sĩ từ các quốc gia có nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tiên tiến như: Mỹ, Đức, Pháp, Australia, Nhật, Hàn Quốc… Đây cũng là nguồn lực chủ chốt hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm, làm chủ và chuyển giao công nghệ vi mạch số, tương tự và siêu cao tần.

Do đặc thù, ngành Thiết kế vi mạch đòi hỏi phải có hệ thống máy móc, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM đã đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến, chuyên sâu. Hàng loạt phòng thí nghiệm ra đời, phục vụ thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn như: Vi mạch và Hệ thống cao tần, Thiết kế vi mạch số, Kỹ thuật siêu cao tần và anten, Kỹ thuật Máy tính, Tính toán nâng cao, Vật liệu năng lượng và ứng dụng, Vật liệu kim loại - hợp kim,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ