Có nên đăng ký xét tuyển vào những ngành mới?

GD&TĐ - Thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào những ngành đào tạo mới bởi những ngành này đã được nghiên cứu kỹ trước khi tuyển sinh.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023.

Yên tâm khi đăng ký xét tuyển

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa, việc mở những ngành mới đều phụ thuộc vào cơ chế của nhà nước, đặc thù của mỗi ngành, mỗi trường. Nếu thật sự các em yêu thích và có năng lực thì nên lựa chọn theo học, bởi những ngành này đã được nghiên cứu kĩ và các em có thể tiên phong.

Ngoài ra, những ngành đào tạo mới đều có những thuận lợi, mặc dù chương trình đang đào tạo đều phải cập nhật trong vòng 1-2 năm. Tuy nhiên, với những ngành mới, đặc biệt liên quan đến công nghệ mới nhất, những gì hay nhất, hợp lý nhất… đều được đưa vào giáo trình giảng dạy. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh yên tâm khi lựa chọn đăng ký xét tuyển.

Nhiều sinh viên sau khi học được 1-2 năm mới thấy không phù hợp; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh tư vấn, khi biết mình chọn nhầm, các em có thể chuyển sang ngành khác mà các vẫn đảm bảo về điều kiện đầu vào. Đây là phương thức mà các trường đều áp dụng. Trường hợp các em không thể tiếp tục với ngành đang học thì có thể tuyển sinh lại từ đầu.

“Việc chọn ngành học, trường học là cần thiết và cần thực hiện thật kĩ. Nếu đã trót lựa chọn nhầm ngành nghề thì các em cũng đừng quá bi quan, hãy học tốt, làm tốt ngành nghề ấy.

Bởi nếu đánh giá đúng thì chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15% sự thành công của con người, còn 85% bạn cần trau dồi về năng lực và các yếu tố, phẩm chất, kỹ năng khác” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh viện dẫn.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023.

Cơ sở đào tạo phải đảm bảo thông tin chính xác

Năm nay, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã ngành, không đăng ký theo các tổ hợp hay phương thức xét tuyển. Tức là trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ cần chọn ngành đào tạo mà mình yêu thích…

PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển – cho hay, có nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo phong trào, hoặc theo chỉ định của gia đình, người thân.

Cũng có thí sinh lựa chọn theo xu thế của xã hội, hoặc theo số đông vì cho rằng ngành đó đang “hot”. Trong khi chưa chắc các em đã hiểu biết hay yêu thích ngành đó. Điều này dẫn đến việc, sau một thời gian học các em thấy không phù hợp ngành đã chọn nên mất động lực học tập.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên khuyến cáo, các em cần xem mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không? Ngoài năng lực chuyên môn, cần lưu ý đến năng lực về sức khoẻ, tài chính...

Nếu các em thích một ngành học nào đó nhưng ngành đó lại đòi hỏi năng lực tài chính vượt ngoài khả năng chi trả của gia đình. Vậy thì các em cũng không nhất thiết phải lựa chọn để theo học.

“Để tìm hiểu về các ngành học, các em có thể vào trực tiếp trang website của các trường để tìm hiểu thông tin… Qua đó, các em sẽ có lựa chọn phù hợp” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên khuyến nghị.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, (Bộ GD&ĐT), thí sinh nên chọn những nhóm ngành nghề tương đối gần nhau. Ví dụ, nếu xác định theo đuổi ngành kinh tế, luật thì chọn những nhóm ngành có liên quan. Các em không nên chọn cả sư phạm, công nghệ, kinh tế. Như vậy là chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.

Tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm trước. Tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến, từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, sau đó cung cấp những minh chứng, những tài liệu, thông tin về các đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tất cả các bước này đều thực hiện trực tuyến đến tận khâu cuối cùng là xác nhận nhập học.

Năm 2023 sẽ có một số điểm mới, khi hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tiếp tục được hoàn thiện, cập nhật nhằm giảm thiểu những sai sót và giải quyết những vướng mắc, tồn tại ở những năm trước.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong hệ thống với các thông tin trong đề án tuyển sinh như: mã cơ sở đào tạo, mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình, mã phương thức xét tuyển mã tổ hợp xét tuyển, và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ và trong các thông báo tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở đào tạo sẽ phải xét tuyển tất các phương thức xét tuyển đã công bố công khai cho thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo (nếu thí sinh đủ điều kiện). Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của Hệ thống.

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án tuyển sinh với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án.

Đề án tuyển sinh phải đăng trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (tại trang chủ); đồng thời phải gửi về Bộ GD&ĐT ngay sau khi đăng để phục vụ công tác hậu kiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.