Từ kết quả tuyển sinh sớm cho thấy nhiều nhóm ngành mới đang có sức hút lớn với thí sinh.
Hồ sơ xét tuyển tăng
Năm nay ngoài nhóm ngành AI, Logistics và chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử thì nhóm ngành mới như Quản trị, Marketing, Truyền thông và Ngôn ngữ thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh. Thống kê nhanh từ Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho thấy, ở phương thức xét học bạ THPT tổng số hồ sơ khoảng trên 6 nghìn với 14 nghìn nguyên vọng thì nhóm ngành trên đã chiếm tỷ lệ trên 60%.
Tương tự, nhóm ngành học mới của Trường ĐH Cửu Long như: Quản lý kinh tế, Quản trị dịch vụ hàng không, Mỹ thuật công nghiệp có số lượng hồ sơ và nguyện vọng xét tuyển theo phương thức học bạ THPT tăng vọt gấp 2 đến 3 lần so với năm trước.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Xu hướng chọn ngành, nghề năm nay về cơ bản không có gì quá thay đổi và dịch chuyển so với năm ngoái. Số lượng hồ sơ và nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển ở nhóm ngành mới có sự tăng trưởng tốt nhưng không quá đột biến.
“Ghi nhận tại thời điểm này, số lượng hồ sơ các nhóm ngành như: Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu số lượng nộp khoảng 250 bộ/ngành. Với những ngành hot, thuộc về thế mạnh và truyền thống của trường như Công nghệ thực phẩm, Kế toán, Kinh doanh quốc tế… mỗi ngành nhận được từ 250 - 300 nguyện vọng. Các ngành nghề khác không phải thế mạnh của trường chỉ từ 20 - 100 hồ sơ. Đây rõ ràng là xu hướng tốt khi sự kỳ vọng và mong muốn theo đuổi nhóm ngành nghề của thí sinh đã không dồn cục vào một vài nhóm ngành”, ThS Sơn nói.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Gia Định thì cho biết, số lượng hồ sơ xét tuyển các ngành của Trường ĐH Gia Định tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Marketing và Truyền thông đa phương tiện là 3 ngành có số lượng hồ sơ xét tuyển tăng mạnh.
“Đây là ngành hiện đại, năng động và phù hợp với thế hệ trẻ. Dự kiến số lượng thí sinh đăng ký những ngành học này chưa dừng lại. Đặc biệt, năm nay số lượng thí sinh quan tâm và xét tuyển vào chương trình tài năng của nhà trường cũng tăng cao. Trường ĐH Gia Định sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 6/7/2023. Dự kiến điểm chuẩn tăng từ 0,5 - 1 cho 45 ngành/chuyên ngành của nhà trường”, TS Toàn cho biết.
Ảnh minh họa ITN. |
Nhu cầu nhân lực và vị thế việc làm
Hàng loạt ngành mới được các trường như UEH, ĐH Thương mại, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM mở mới trong năm 2023 cũng có sức hút khá lớn với thí sinh. Số lượng hồ sơ xét tuyển nhóm ngành này ở các trường gần như cao gấp đôi chỉ tiêu đào tạo.
“Các ngành Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử hay Tự động hóa hiện vẫn là những ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nghề những năm tới nhưng không vì thế mà dễ xin việc hơn bởi các ngành này luôn có độ cạnh tranh cao cả về số lượng người học lẫn yêu cầu chất lượng của thị trường lao động...”, PGS.TS Hoài Thắng lý giải.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM nhìn nhận: Các ngành mới có cơ hội việc làm, vị trí và vị thế việc làm tốt trong kỉ nguyên số nhưng thí sinh cần phân biệt ngành “hot” và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường.
Đánh giá về nhu cầu và xu thế nhân lực của nhóm ngành nghề mới trong tương lai, ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2023 cần khoảng 300 nghìn đến 320 nghìn chỗ làm việc; trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 70,61% tổng nhu cầu nhân lực năm 2023.
Trong số 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 57,69% thì ngành Thương mại chiếm 15,22%, Du lịch chiếm 5,66%, Tài chính, Tín dụng, Ngân hàng, Bảo hiểm chiếm 5,93%, Kinh doanh tài sản, bất động sản chiếm 5,91%.
“Doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân lực khối ngành Kinh tế, trong đó có các ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, Thương mại, Tài chính… rất nhiều. Nhóm ngành mới mà các trường mới mở Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Kinh tế số, Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo… nhu cầu hiện tại có thể chưa nhiều, nhưng với bối cảnh mới và sự phát triển kinh tế, xã hội trên nền tảng công nghệ và số hóa thì rõ ràng cơ hội việc làm trong giai đoạn tới rất triển vọng”, ông Vân trao đổi.
Chia sẻ ở góc nhìn chuyên gia tuyển sinh, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: Trong bất cứ thời điểm và bối cảnh nào của xã hội cũng sẽ nảy sinh và xuất hiện nhu cầu nhân lực, ngành nghề mới. Điều này buộc các trường phải tuyển sinh và đào tạo (đó là trách nhiệm).
“Nhưng để chọn học ngành học hot hay chọn ngành có thu nhập cao, đảm bảo việc làm thì thí sinh phải có hiểu biết về bản thân, năng lực và sở trường, cần xem mình theo được ngành học ở nhóm nào thì bản thân mới phát triển. Nếu chọn ngành theo xu hướng chung của xã hội nhưng lại trái sở trường để rồi phải bỏ thì rất đáng tiếc. Vì vậy, thí sinh nên phải xác định được con đường đi phù hợp cho mình thì mới hiệu quả”, ThS Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên.