Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học đã sẵn sàng điều chỉnh đề án tuyển sinh, trong đó có việc dành chỉ tiêu cho những thí sinh này.
Điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh
Tán thành với hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch Covid-19 và các phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) Trần Văn Phúc nhấn mạnh: Hướng dẫn của Bộ rất kịp thời, giúp các cơ sở giáo dục ĐH chủ động điều chỉnh kế hoạch, đề án tuyển sinh năm 2021, nhằm bảo đảm quyền lợi xét tuyển của tất cả thí sinh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) khẳng định: Nhà trường sẽ tạo điều kiện để thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT được tham gia tuyển sinh, bảo đảm công bằng, chất lượng. Cụ thể: Sau khi kết thúc thi tốt nghiệp THPT đợt 2 và trên cơ sở số liệu số thí sinh được đặc cách tốt nghiệp, nhà trường sẽ dành chỉ tiêu cho các em. Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức xét học bạ đối với những thí sinh này (nếu như các em có nguyện vọng). Tất nhiên, điểm chuẩn của đợt xét tuyển này phải bằng với điểm chuẩn xét tuyển đợt 1.
Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh còn xây dựng phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Do dịch Covid-19 nên kỳ thi chưa được tổ chức. Vì thế, những thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 và thuộc diện đặc cách tốt nghiệp có thể đăng ký bổ sung để được tham dự kỳ thi và tham gia xét tuyển vào trường.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Dự kiến nhà trường dành 30 - 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Theo kế hoạch, kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 cụm thi: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Vinh và Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng).
Tuy nhiên, trong thời điểm thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và trước diễn biến dịch bệnh ở các địa phương vẫn còn phức tạp, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định dừng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy trong năm 2021 và tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi này vào năm tới.
Do đó, nhà trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh còn lại cho phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi THPT. Danh sách các tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi THPT 2021, phương án đối với thí sinh đặc cách tốt nghiệp sẽ được điều chỉnh phù hợp với Công văn 3190/BGDĐT-GDĐH ngày 30/7/2021 của Bộ GD&ĐT. Nhà trường sẽ công bố sớm để thí sinh nắm được và chủ động tham gia xét tuyển.
Tạo điều kiện và cơ hội cho thí sinh đặc cách
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2021 với các trường ĐH phía Nam và 2 ĐH Quốc gia về việc tuyển sinh ĐH đối với thí sinh thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh - Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) ghi nhận sự chủ động của Bộ GD&ĐT ngay cả khi chưa có đầy đủ thông tin về thi đợt 2. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là trường trong khối Quân đội có định hướng sớm để chủ động nghiên cứu, tính toán đưa ra phương án phù hợp. Cục Nhà trường đã dự kiến nhiều tình huống để lên phương án xét tuyển. Các phương án cơ bản thống nhất với định hướng của Bộ GD&ĐT.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh cho biết: Cục Nhà trường cơ bản nắm chắc số lượng thí sinh chưa được thi trong đợt 1 ở từng địa phương đối với từng trường. Sau khi có thông tin thi đợt 2, Cục sẽ rà soát lại và đưa ra phương án tối ưu nhất để bảo đảm công bằng cho thí sinh xét tuyển vào các trường Quân đội.
Theo ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lịch tuyển sinh để xét tuyển chung 1 đợt sau 2 đợt thi tốt nghiệp THPT, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển sinh và được các trường ĐH ủng hộ cao. Từ kinh nghiệm của năm trước, năm nay Bộ điều chỉnh lịch tuyển sinh và xét tuyển chung 1 đợt sau khi thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Bộ cũng tính toán các giải pháp nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT được xét tuyển vào ĐH, cao đẳng sư phạm theo quy định. Nguyên tắc chung là, những thí sinh này được xét tuyển công bằng, khách quan và không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT.
Trên tinh thần đó, các cơ sở đào tạo thực hiện điều chỉnh, bổ sung phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng thí sinh đặc cách. Cụ thể, cơ sở GD xác định khu vực xét tuyển chủ yếu làm căn cứ tính toán; dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành/ chương trình đào tạo tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, cao đẳng. Sau khi hoàn thành tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ công bố danh sách các học sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 và số liệu cần thiết khác của các địa phương để nhà trường có căn cứ tính toán.
Đối với các ngành/chương trình đào tạo có nhu cầu lớn, điểm chuẩn năm trước thường cao (do cơ sở đào tạo xác định và chịu trách nhiệm giải trình) và các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; cơ sở đào tạo có thể xét tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định sau lịch xét tuyển chung dựa trên kết quả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT; đồng thời được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành/ chương trình đào tạo này, tương ứng với tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, cao đẳng (thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của cơ sở đào tạo).