Tuyển sinh 2021: Hiểu rõ xu hướng dịch chuyển nhân lực

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2021 - 2022 mới chỉ bắt đầu bằng việc các trường xét tuyển đợt 1 phương thức xét học bạ THPT.

Tư vấn tuyển sinh tại Trường CĐ Du lịch Sài Gòn. Ảnh: CT
Tư vấn tuyển sinh tại Trường CĐ Du lịch Sài Gòn. Ảnh: CT

Ghi nhận ban đầu ở nhiều trường cho thấy, xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh vẫn tập trung phần lớn ở các ngành hot. 

Ngành hot vẫn là ưu tiên số 1

Năm nay, các trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ sớm hơn năm trước, từ đầu tháng 3. Đến thời điểm này ghi nhận từ các trường cho thấy số lượng hồ sơ nộp về chưa nhiều. Đáng chú ý, trong số hồ sơ nộp về, phần nhiều thí sinh chọn các ngành đang hot.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tới ngày 25/4. Thời điểm này hồ sơ nộp về chủ yếu vẫn ở các ngành thuộc thế mạnh của trường như: Công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin (CNTT), quản trị kinh doanh, quản trị du lịch lữ hành & khách sạn.

Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), trường thu nhận được hơn 100 hồ sơ mỗi ngành. Nhóm ngành điện tử, công nghệ chế tạo máy, khoa học chế biến món ăn, khoa học dinh dưỡng đạt khoảng 40 - 50 hồ sơ/ngành. 

Tuyển sinh 2021: Hiểu rõ xu hướng dịch chuyển nhân lực ảnh 1

Những mốc thời gian quan trọng (click vào ảnh để xem nội dung)

“Hiện mới là giai đoạn bắt đầu của mùa tuyển sinh nên cũng không tránh khỏi tình trạng thí sinh cân nhắc, nghiên cứu kỹ cho các lựa chọn ngành nghề. Xét về thời điểm so với năm ngoái, xu hướng chọn ngành, chọn nghề và hồ sơ nộp xét tuyển về trường không có nhiều thay đổi, tập trung vào một số ngành nhất định” - ThS Sơn cho biết.

Tương tự, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sau hơn 1 tháng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, số hồ sơ nộp về  lác đác, nhưng cũng thể hiện rõ xu hướng chung của thí sinh là chọn ngành học có tiếng tên gọi “sang chảnh”, thời thượng như: Nhóm ngành y, dược, quản trị kinh doanh, marketing, quản trị khách sạn, thương mại điện tử. 

Ở Trường ĐH Gia Định, theo ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhóm ngành Quản trị kinh doanh, CNTT, Quản trị khách sạn, Marketing, Ngôn ngữ Anh chiếm tới 68,3% hồ sơ trường thực nhận. Đây cũng chính là nhóm ngành nghề thế mạnh đào tạo của nhà trường trong nhiều năm qua. 

Giờ học theo nhóm của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Giờ học theo nhóm của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Có lượng hồ sơ cao nhất hiện nay sau hơn 1 tháng thu nhận là Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), với hơn 1.500 hồ sơ. Ngành quản trị kinh doanh: 253 hồ sơ, marketing 230 hồ sơ, kinh doanh quốc tế 195 hồ sơ, logistics và quản lý chuỗi cung ứng 187 hồ sơ.

Đánh giá sơ lược về số lượng hồ sơ, cũng như nhóm ngành nghề mà thí sinh chọn lựa xét tuyển ngay nguyện vọng đầu tiên vào các trường, ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp nhìn nhận xu hướng chọn ngành của thí sinh vẫn theo khuynh hướng thực dụng. 

“Nhìn vào nhóm ngành nghề mà thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường rõ ràng không có nhiều thay đổi. Nhóm ngành nghề kinh tế, dịch vụ cùng một số ngành đón đầu xu thế công nghệ vẫn chiếm ưu thế. Đây là điều có thể hiểu, khi nhu cầu nhân lực của nhóm ngành trên được dự báo vẫn khan hiếm. 

Tuy nhiên, thí sinh cần hết sức lưu ý, bởi ngoài yếu tố cạnh tranh khốc liệt (nhiều hồ sơ nộp), việc nhiều trường có chung một khối nhóm ngành thế mạnh na ná, tương đồng nhau theo thời gian sẽ dẫn đến sự bão hòa. Vì vậy, chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, mong muốn của gia đình nhưng thí sinh vẫn cần cân nhắc đến yếu tố thị trường nhân lực giai đoạn tới để có lựa chọn đúng đắn cho mình” – ông Tuấn chia sẻ. 

Xu hướng nhân lực sẽ dịch chuyển theo hướng nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, trong bối cảnh và thời điểm nào, nhóm ngành Kinh tế luôn giữ vững vị trí của mình, bởi mọi hoạt động kinh tế (cả nhân lực ngành này) sẽ không thể co cụm và bão hòa. 

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, khi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày một tăng trưởng và dòng vốn đầu tư quốc tế chảy vào ồ ạt, doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài đến Việt Nam làm ăn ngày một nhiều hơn, nhu cầu lao động liên quan đến kinh tế đầu tư, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại và logistics - quản lý chuỗi cung ứng cũng tăng lên mạnh mẽ. 

“Điều này lý giải vì sao nhiều năm qua nguồn nhân lực nhóm ngành kinh tế vẫn luôn rất “khát”, sinh viên ra trường gần như được thị trường lao động tiếp nhận hết. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, sự bùng nổ của thị trường tài chính và các dịch vụ tài chính - ngân hàng đã mở ra những cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng đối với lĩnh vực này. 

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Tuy nhiên, một xu hướng mà ngày nay người học rất cân nhắc là sự thắng thế của tài chính công nghệ Fintech so với các nền tảng tài chính truyền thống. Đây là một xu hướng nhân lực mới đầy triển vọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng bùng nổ”- PGS.TS Quốc Bảo đánh giá. 

Theo phân tích của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc hàng loạt trường đại học ưu tiên chỉ tiêu và mở thêm nhóm ngành công nghệ, dịch vụ, sức khỏe trong thời gian gần đây nhằm bắt kịp đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Trong đó, các ngành liên quan công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông số… được kỳ vọng mở ra xu hướng mới thay đổi nguồn nhân lực và thị trường lao động cần chất lượng hơn số lượng. 

Trao đổi về xu thế nguồn nhân lực trong tương lai, ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM dự đoán xuất phát từ chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực dịch vụ… các ngành nổi bật thuộc lĩnh vực kinh doanh - thương mại - kế toán - tài chính sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong thời gian tới.

Do đó, nhân lực nhóm ngành kinh doanh - thương mại - kế toán - tài chính vẫn sẽ là nhóm dẫn đầu trong việc ‘hút” người học và người làm. 
“Tại TPHCM, nhu cầu nhóm ngành trên trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ rất cao. Nhóm ngành thương mại cần 39.000 người/năm; nhân lực ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (logistics) cần 15.000 người/năm; ngành dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin: 15.000 người/năm; nhóm ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm: 12.000 người/năm; dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển cần 9.000 người/năm. Vì vậy, không khó hiểu khi các trường vẫn đang mở và tuyển sinh đào tạo các nhóm ngành trên” - ông Vân nói. 

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Nghề “hot”, ngành thời thượng, trường tốp đầu là những tiêu chí quan trọng mà tất cả thí sinh sẽ lưu tâm và chọn lựa để đăng ký xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, không phải lúc nào những lựa chọn ngành học “hot”, thời thượng cũng đúng đắn nếu như nó không thực sự phù hợp với khả năng, đam mê và học lực của từng thí sinh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.