Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên chủ quan và có thể áp dụng một số nguyên tắc, để bảo đảm“chắc suất” khi điều chỉnh.
Đánh giá lại “danh mục” nguyện vọng
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Trưởng phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội), sau khi phân tích phổ điểm của năm 2020 và 2021, thí sinh cần xem mức điểm mình đạt được theo 1 tổ hợp xét tuyển cụ thể rồi so sánh với phổ điểm của năm ngoái và năm nay. Thí sinh cần chú ý đến điểm trung bình, điểm trung vị và điểm có nhiều thí sinh đạt nhất, sau đó tham khảo điểm trúng tuyển ngành mình muốn học của 2 năm gần đây tại trường mình đăng ký.
Thí sinh dự định xét tuyển vào ngành Kỹ thuật Điều khiển tự động hóa, có tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) cần tham khảo phổ điểm thi THPT năm 2021 của tổ hợp A00. Cụ thể, xem điểm trung bình, điểm trung vị và điểm có nhiều thí sinh đạt nhất và so sánh các tiêu chí này với phổ điểm của các năm trước. Sau đó, các em tham khảo điểm xét tuyển 2 năm gần đây vào ngành mình đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển, rồi so sánh với số điểm mà mình đạt được.
“Trên cơ sở đó, các em sẽ quyết định có nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hay không và nếu điều chỉnh thì thực hiện như thế nào để an toàn và “chắc đỗ”. Theo đó, các em có thể giữ nguyên thứ tự sắp xếp nguyện vọng (nếu tự tin) hoặc điều chỉnh nguyện vọng thông minh để tăng cơ hội trúng tuyển” - PGS.TS Nguyễn Việt Hà khuyến nghị.
Theo ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin và truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội, trước khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần đánh giá lại “danh mục” nguyện vọng của mình với điều kiện, nhu cầu, đam mê cá nhân và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển khi phát hiện mình lựa chọn các ngành chưa phù hợp với năng lực của bản thân và gia đình. Ngoài ra, việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng chưa phù hợp hoặc tìm hiểu thấy ngành mới phù hợp với bản thân hơn và kết quả thi tốt nghiệp THPT có thay đổi lớn so với dự tính ban đầu.
“Với những trường hợp như vậy, thí sinh nên thực hiện quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình” - ThS Đỗ Ngọc Anh khuyến cáo, đồng thời chia sẻ: Kết quả điều chỉnh nguyện vọng nên hướng tới mục tiêu đỗ vào ngành mà thí sinh yêu thích, có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực của bản thân và điều kiện của gia đình.
Không nên lưỡng lự
ThS Đỗ Ngọc Anh lưu ý: Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh có thể tham khảo một số nguyên tắc: Tìm hiểu kỹ về ngành học, ưu tiên chọn ngành hơn là chọn trường. Chia các ngành đã đăng ký và dự kiến đăng ký bổ sung làm 3 nhóm theo mức điểm chuẩn trung bình các năm: Cao hơn (từ 1 - 3 điểm), tương đương và thấp hơn điểm thi (từ 1 - 4 điểm) của thí sinh. Sau đó, các em căn cứ thêm phổ điểm của năm nay để so sánh với các năm trước cho chính xác.
“Nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự phù hợp và yêu thích của bản thân với ngành nghề và trường. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT quá thấp, các em hãy nghĩ đến giải pháp đăng ký xét tuyển học bạ” - ThS Đỗ Ngọc Anh khuyến cáo.
Nhấn mạnh, quy chế tuyển sinh hiện hành quy định thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), tư vấn: Thí sinh cần căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng (ngưỡng nhận hồ sơ và các điều kiện quy định cụ thể của từng trường) để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến 3 lần trong thời gian quy định. Các em lưu ý, phải thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đầy đủ, đúng quy trình trong thời gian quy định. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau, nhưng cũng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất.
“Để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn không đỗ nguyện vọng nào, hoặc trúng vào các nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa nguyện vọng thích nhất (nguyện vọng mong muốn) và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất), tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường, ngành của những năm trước đây để chọn ngành học, trường học phù hợp với điểm thi tốt ngiệp THPT của mình. Để an toàn, các em nên ưu tiên chọn mức bằng và có điểm thấp hơn” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý: Thí sinh phải xem xét kỹ điều kiện xét tuyển của các trường như: Điều kiện sơ tuyển, ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu... để đủ điều kiện xét tuyển. Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển ĐH nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng.