Tuyển sinh 2021: Có nên chọn nghề thay con?

GD&TĐ - Từ hôm nay (27/4), thí sinh trên cả nước chính thức nộp phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, các trường cao đẳng sư phạm năm 2021.

Sinh viên Khoa Y Dược – Đại học Đà Nẵng tham gia tư vấn tuyển sinh. Ảnh: CT
Sinh viên Khoa Y Dược – Đại học Đà Nẵng tham gia tư vấn tuyển sinh. Ảnh: CT

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên để các em tự chủ trong việc đăng ký xét tuyển và lựa chọn ngành học, trường học. Không can thiệp thô bạo và nên dừng lại ở vai trò là người đồng hành, tham vấn.

Người đồng hành, tham vấn

Thầy Đặng Trần Phong – Hiệu trưởng Trường THPT Hóa Châu (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) cho biết: Trường có hơn 200 học sinh lớp 12. Theo khảo sát, có khoảng 90% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Số còn lại xác định đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Nhà trường đã chuẩn bị máy tính kết nối Internet, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Theo thầy Phong, học sinh lớp 12 đã có thể tự lập, vì thế việc đăng ký nên để các em tự làm, phụ huynh và giáo viên không nên làm thay. 

Cũng theo thầy Phong, bố mẹ và thầy cô nên là người đồng hành, tư vấn cho các em trong việc chọn nghề, trường. Tuyệt đối không nên áp đặt hoặc can thiệp thô bạo, bắt con phải chọn ngành, học trường kia. Việc áp đặt, hoặc làm thay có thể dẫn đến những hệ lụy sau này, trước mắt là tính ỉ lại vào người khác, thiếu tự lập và quyết đoán. Nhiều em còn học tập theo kiểu chống đối và không có động lực trong học tập.

Tuyển sinh 2021: Có nên chọn nghề thay con? ảnh 1

Những mốc thời gian quan trọng (click vào ảnh để xem nội dung)

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hàng năm, nhiều học sinh băn khoăn, muốn được tư vấn việc đăng ký xét tuyển đại học theo ý kiến chủ quan, hay lựa chọn theo sự sắp đặt của bố mẹ. Là chuyên gia nhận được nhiều câu hỏi như vậy, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) quả quyết: Quyết định cuối cùng vẫn là thí sinh. Tuy nhiên, các em cần tự chủ trong việc thiết lập kế hoạch nghề nghiệp của mình, khi đó mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và đúng hướng. 

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, việc bố mẹ có những định hướng nghề nghiệp cho con là không sai và không xấu, thậm chí còn có nhiều điểm tích cực. Bởi bất luận thế nào, bố mẹ vẫn luôn mong những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Thế nên, họ sẽ là người đồng hành và tư vấn hiệu quả nhất cho các con. Song, không phải thí sinh nào cũng nghe theo những lời tư vấn của bố mẹ. Nhiều bạn còn có phản ứng cực đoan và không nghe lời khuyên của phụ huynh. Điều này cũng không phải là tốt, nhất là với những lời khuyên có cơ sở. 

Cán bộ Học viện Quản lý Giáo dục tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.
Cán bộ Học viện Quản lý Giáo dục tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Không nên can thiệp thô bạo

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cũng không đồng tình với cách can than thiệp thô bạo của một số phụ huynh khi các con đăng ký xét tuyển đại học. Nhiều phụ huynh bắt con phải chọn theo ý của mình mà không quan tâm đến năng lực, sở trường, sở thích của con. Cách tốt nhất là, cả thí sinh và phụ huynh nên thảo luận, lắng nghe lẫn nhau, từ đó sàng lọc ý kiến hợp lý trước khi đưa ra những quyết định cuối cùng. PGS.TS Phạm Mạnh Hà đưa ra 4 bước chọn ngành nghề để giúp thí sinh có định hướng đúng đắn. Theo đó, thí sinh cần trả lời lần lượt các câu hỏi: Tôi thích nghề gì, tôi phù hợp nghề gì, tôi chọn nghề gì và tôi nên học tập ở đâu?

Từ thực tế nhiều năm tham gia tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Nhiều thí sinh bày tỏ thái độ không hài lòng khi bố mẹ can thiệp sâu vào việc lựa chọn ngành nghề của mình. Chẳng hạn: Bố mẹ thích và định hướng cho con nhất định phải theo học ngành A, vì sau khi ra trường bố mẹ có thể bảo đảm việc làm. Tuy nhiên, con lại thích ngành B nên phản ứng gay gắt với định hướng của bố mẹ. Vậy là mâu thuẫn xảy ra khi cha mẹ và con cái không đồng nhất quan điểm. 

Hoạt động tư vấn trong ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2021.
Hoạt động tư vấn trong ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2021.

“Trong tình huống này, trước hết thí sinh cần bình tĩnh lắng nghe những phân tích của bố mẹ, từ đó tham khảo và chắt lọc điều hay lẽ phải, nhưng quyết định chính vẫn là mình. Các em phải thuyết phục được bố mẹ: Quyết định của mình là đúng để họ yên tâm và ủng hộ” - GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, đồng thời cho rằng: Thời điểm này, phụ huynh có thể “buông” con ra để các em tự lập trong việc đăng ký xét tuyển và lựa chọn ngành nghề, trường học. Các em có thể quyết định nghề nghiệp cho tương lai của mình.

Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn khuyến cáo, thí sinh nên đọc kỹ nội dung đào tạo, các môn học đào tạo, chuẩn đầu ra của ngành nghề mà mình dự định lựa chọn. Không nên đăng ký vì thấy tên ngành nghề “hợp thời thượng” và càng không nên chạy theo phong trào. Các em cần nghiên cứu kỹ, thấu đáo để có lựa chọn đúng, trúng với nhu cầu của bản thân. 

Nhiều người vẫn nghĩ, nghề nghiệp là phương tiện để kiếm tiền, tạo ra thu nhập, chứ không nghĩ rằng, nghề nghiệp là phương tiện để phát triển con người, bản thân và đem lại hạnh phúc cho chính mình. Chính vì chọn nghề theo thu nhập  mới tạo ra tâm lý chung là: Chọn nghề theo thị hiếu, trào lưu. Đây là một trong những sai lầm thí sinh cần lưu tâm. - PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.