Tuyển sinh 2020: Tuân thủ luật chơi

Tuyển sinh 2020: Tuân thủ luật chơi

Công bằng, minh bạch

TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng nhìn nhận: Chỉ khi tự chủ được thực hiện một cách toàn diện mới có thể có được sự cạnh tranh công bằng giữa các trường. Bởi thực tế hiện nay, xét ở nhiều khía cạnh, trường ĐH công lập vẫn chiếm ưu thế hơn so với các trường ngoài công lập. Đó có thể là hệ thống cơ sở vật chất (Nhà nước đầu tư), trang thiết bị NCKH, nguồn lực tài chính… được hỗ trợ.

“Việt Nam hiện có hơn 450 trường ĐH, CĐ, chưa kể các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên... nên áp lực cạnh tranh về chỉ tiêu tuyển sinh rất lớn. Trong khi đó, cơ chế tự chủ đại học mới chỉ được thực hiện một phần, chưa thực sự toàn diện, nhiều cơ sở GDĐH công lập vẫn được Nhà nước cấp kinh phí. Vì vậy, chỉ cần họ giảm nhẹ ngưỡng điểm chuẩn hoặc mức học phí, trường tốp dưới sẽ gặp khó trong nguồn tuyển ngay”, TS Nguyễn Vũ Quỳnh phân tích.

Thực tế, kịch bản trường công lập có điểm trúng tuyển thấp, thậm chí hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung khi được tự chủ từng xảy ra. Năm học 2018 - 2019, không ít trường đại học công lập có điểm chuẩn xét tuyển quanh ngưỡng 15 điểm, khiến nhiều trường ngoài công lập phải hạ điểm chuẩn xuống mức 14 - 14,5 điểm để cạnh tranh, song song với chính sách học phí ưu đãi và học bổng khủng. Tuy nhiên, dù làm nhiều cách nhưng không ít trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí chỉ tuyển được có 50% chỉ tiêu.

Trưởng phòng đào tạo một trường đại học ngoài công lập thẳng thắn chia sẻ: Điều chúng tôi lo lắng nhất trong mùa tuyển sinh chính là sự cạnh tranh không sòng phẳng, không công bằng giữa các trường với nhau. Ngoài việc có mức điểm chuẩn xét tuyển ở ngưỡng có thể bảo đảm một lượng thí sinh đủ lớn (phổ điểm có nhiều thí sinh), nhiều trường để tuyển đủ chỉ tiêu sẵn sàng dùng thêm “chiêu” xét tuyển bổ sung, tuyển hệ chất lượng cao (điểm thấp hơn hệ đại trà)…

“Đây là một trong những nguyên nhân khiến trường tốp dưới như chúng tôi thiếu hụt nguồn tuyển, khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh như vậy. Năm nay, Bộ GD&ĐT “siết” hệ chất lượng cao trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020, chứng tỏ Bộ nhìn thấy sự thiếu minh bạch, công bằng mà tôi đề cập. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rất khó kiểm soát nếu trường tốp trên vẫn đặt nặng chỉ tiêu hơn chất lượng đầu vào nguồn tuyển. Bởi thực tế chúng ta phải thừa nhận, tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn muốn có một “chiếc vé” vào học tại trường công lập dù hệ thống cơ sở vật chất của nhiều trường ngoài công lập đã thay đổi, thậm chí hơn cả trường công lập”, vị cán bộ trên nói.

Tuyển sinh 2020: Tuân thủ luật chơi ảnh 1
Môi trường đào tạo là yếu tố quan trọng thu hút người học.

Không tuân thủ luật chơi là tự “bắn” mình

Thống kê về tỉ lệ thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ trên cả nước của Bộ GD&ĐT 3 năm gần đây cho thấy rõ xu hướng thí sinh chọn trường để học, khi tỉ lệ trúng tuyển bằng xét học bạ tăng nhanh, tỉ lệ trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia giảm xuống.

Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5% nhưng năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4%. Số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%, các phương thức khác chiếm khoảng 10% (thi đánh giá năng lực, năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…).

Đặc biệt, năm nay khi Kỳ thi THPT quốc gia không còn và thay bằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường cũng nhanh chóng thay đổi phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh khi giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi THPT, gia tăng tỉ lệ xét tuyển bằng học bạ và các hình thức khác… Điều đó, theo ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bối cảnh tuyển sinh chung của các trường.

“Hệ thống trường đại học không chỉ phân biệt tốp trên, tốp dưới mà còn theo năng lực, yêu cầu phát triển ngành nghề, kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, bên cạnh mức học phí, các trường còn khẳng định thương hiệu, thu hút thí sinh bằng chương trình đào tạo (đã thực hiện kiểm định chất lượng, công khai chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra).

Những trường có mục tiêu rõ ràng trong đào tạo sinh viên, công khai cấu trúc và nội dung chương trình, thông tin về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp… sẽ là “điểm cộng” trong mắt phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh chung vẫn sẽ có trường này, trường kia thực hiện cách thức tuyển sinh khác, thậm chí là “ngược dòng”. Nhưng cá nhân tôi cho đấy là những cách làm không bền vững, bởi học sinh và phụ huynh bây giờ rất thông thái và biết mình cần điều gì ở ngôi trường sẽ theo học” – ông Trung nói.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Tốp trên, giữa và dưới có thể hiểu theo trường hoặc theo ngành trong trường. Trong một trường cũng có thể có ngành điểm chuẩn cao (tốp trên) và ngành chuẩn thấp. Vì vậy, theo TS Lý, điểm chuẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và được xác định dựa vào mối tương quan giữa số lượng thí sinh đăng ký vào ngành của trường đó và chỉ tiêu của ngành. 

Thực tế, trường nào cũng muốn hệ số chọi (tỉ lệ giữa số lượng thí sinh/chỉ tiêu tuyển) càng cao càng tốt. Do đó, bất kỳ trường tốp trên nào hạ chuẩn với mục đích tuyển vượt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trường tốp dưới và sẽ mất hình ảnh, thương hiệu của mình. - TS Trần Đình Lý 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ