Tuyển sinh 2016: ĐHQG Hà Nội tiếp tục thực hiện bài thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Tiếp nối thành công của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực - hình thức thi mới được xã hội và các nhà trường đánh giá cao.

Tuyển sinh 2016: ĐHQG Hà Nội tiếp tục thực hiện bài thi đánh giá năng lực

Bài thi năm nay vẫn sẽ gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Nhưng có gì mới so với năm trước? Thí sinh cần phải ôn luyện như thế nào? Có điểm gì mới quan trọng trong kỳ thi này?

Những đổi mới sát với thực tế

Khẳng định những mặt mạnh của phương án thi đánh giá năng lực và tuyển sinh của kỳ thi, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết: Về cơ bản, kỳ thi năm nay ĐHQG Hà Nội vẫn thực hiện theo cách thức như năm trước đã bước đầu thu được kết quả tốt, được xã hội, thí sinh, phụ huynh và các chuyên gia đánh giá khá cao. Tuy nhiên năm nay, để sát với thực tế hơn chúng tôi cũng có một số điều chỉnh sát thực tế hơn để hoàn thiện phương thức thi mới cho phù hợp.

Được biết nếu như năm trước, kỳ thi đánh giá năng lực được ĐHQG Hà Nội với mục đích chỉ nhằm lấy kết quả đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội thì sang năm 2016 này đã có thêm một số trường bên ngoài ĐHQG Hà Nội đã chính thức đăng ký cùng tham gia tổ chức thi và lấy kết quả để xét tuyển.

Tính đến thời điểm này, 5 trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội để tuyển sinh là Trường Đại học Nguyễn Trãi, Trường Đại học Thủ đô, Trường Đại học Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định và Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

Ngoài ra, năm 2015 có một thay đổi trong cách thức tổ chức ở bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ. Nếu năm 2015 bài thi được thực hiện trên giấy, thì năm nay sẽ được thực hiện trên máy với 80 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội và vào các trường ĐH, CĐ không thuộc ĐHQG Hà Nội có công bố sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển.

Đăng ký dự thi như thế nào

Khác với kỳ thi đánh giá năng lực năm 2015, để giúp các nhà trường chủ động hơn khi tổ chức thi năm nay thí sinh dự thi sẽ không những phải chọn địa điểm thi mà còn phải chọn cả đợt thi nữa. Thí sinh cũng cần lưu ý, sẽ chỉ có 2 cách nộp hồ sơ là qua mạng và nộp trực tiếp tại Trung tâm Khảo thí của ĐHQG Hà Nội. Thí sinh ĐKDT trực tuyến trên website của Trung tâm Khảo thí theo địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục “Đăng ký dự thi Đánh giá năng lực 2016”.

ĐHQG Hà Nội đã thiết kế phần mềm cho phép thí sinh đăng ký ứng tuyển vào các chương trình đào tạo của trường. Thực tế cho thấy, việc đăng ký online giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cũng như căng thẳng không cần thiết cho thí sinh và gia đình; đồng thời giúp công tác xét tuyển của trường nhanh chóng, thuận lợi hơn. Thí sinh có thể vào trang web chung của ĐHQG Hà Nội hoặc website từng đơn vị thành viên để trực tiếp đăng ký vào các chương trình mình có nguyện vọng.

Để tránh chậm trễ, sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi, ĐHQG Hà Nội cũng lưu ý thí sinh về lệ phí dự thi, theo đó thí sinh có thể nộp lệ phí thi theo hai cách là nộp vào tài khoản của Trung tâm Khảo thí của ĐHQG Hà Nội qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) theo mã ĐKDT. ĐHQG Hà Nội không chấp nhận gửi qua các ngân hàng khác và qua đường bưu điện. Lý giải về điều này, đại diện ĐHQG Hà Nội cho biết là do thực tế năm 2015, việc gửi hồ sơ qua bưu điện có những độ trễ hoặc sai sót nhất định dẫn đến quản lý khó khăn, dẫn đến quyền lợi thí sinh bị ảnh hưởng.

Đề thi đảm bảo tránh trùng lặp

Đại diện Trung tâm Khảo thí – ĐHQG Hà Nội cho biết, đề thi được làm trong một quy trình hết sức nghiêm ngặt. Từ xây dựng bộ đề, huy động cán bộ tham gia, đặt ra các mục tiêu đánh giá cho đến khởi thảo, làm các tiểu mục rồi qua khâu sàng lọc, thử nghiệm cho người học làm thử, đều được thực hiện bài bản, nghiêm túc nhất. Đơn cử như việc để xác định độ chính xác, độ khó của đề đều được thử nghiệm dựa trên thực tế, chứ không chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của chuyên gia phân tích.

Cùng việc việc thực hiện thử nghiệm, việc sát kiểm định đề còn phải thực hiện qua phản biện nhiều vòng mới được chính thức đưa vào để lựa chọn dùng làm đề thi. Được biết, ĐHQG Hà Nội chủ trương thường xuyên thực hiện việc bước sàng lọc bộ đề với tỷ lệ đảm bảo cân bằng giữa các kỳ thi trước và sau, theo các năm, đồng thời cũng bổ sung, mở rộng với tỷ lệ hợp lý. Như năm 2015, bộ đề thi được đánh giá là cân bằng độ khó đề thi giữa các đợt thi, ca thi khá tốt. Thực tế khảo sát điểm thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt năm 2015, cho thấy độ lệch về điểm trung bình 2 đợt là không đáng kể (1,7 điểm trên tổng điểm 140), gần 1/3 trong số đó là điểm số không hề thay đổi.

Trên cơ sở khảo sát đó, năm 2016 này đề thi tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cân bằng độ khó và quy mô bộ đề cũng tăng, chất lượng đề cũng tốt hơn, hoàn toàn bảo đảm đáp ứng số lượng thí sinh đăng ký tăng lên, cũng như chất lượng đánh giá năng lực người dự thi. Nội dung bài thi vẫn được thực hiện theo hướng đánh giá kiến thức rộng, bao gồm cả lớp 10, 11 và 12, trong đó chủ yếu là lớp 12. Câu hỏi cũng sẽ tăng cường theo hướng mở, gắn với kiến thức thực tế với tỷ lệ gia tăng thích hợp để thí sinh có thể thích ứng.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội khác với Kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, khi thiết kế bộ đề và thử nghiệm câu hỏi, chúng tôi đã tính được ngưỡng đảm bảo chất lượng để thí sinh tham gia thi có thể học tốt với đòi hỏi của nhà trường. Năm 2015, ngưỡng đó là 70 điểm (thực tế, các trường thành viên của ĐHQG đều lấy từ 80 - 85 điểm trở lên). Năm nay, tùy theo kết quả thi, chúng tôi cũng sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng để ứng tuyển vào trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ