Tuyến phố “kiểu mẫu” Đình Thôn (Hà Nội): Đổi mới hay rập khuôn máy móc

GD&TĐ - Việc chính quyền phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho cắm 200 cột thép có kích thước bằng nhau trên vỉa hè đường Đình Thôn và quy định kích thước biển hiệu nhằm triển khai thí điểm tuyến phố “kiểu mẫu” gây nhiều ý kiến trái chiều.

Đường Đình Thôn là một tuyến đường quan trọng trong giao thông, thương mại phường Mỹ Đình 1. Tuy nhiên, vỉa hè nhỏ khi tiến hành đồng bộ biển quảng cáo vẫn còn vấp phải một số ý kiến trái chiều của nhân dân
Đường Đình Thôn là một tuyến đường quan trọng trong giao thông, thương mại phường Mỹ Đình 1. Tuy nhiên, vỉa hè nhỏ khi tiến hành đồng bộ biển quảng cáo vẫn còn vấp phải một số ý kiến trái chiều của nhân dân

Kiểu mẫu?

Cách đây khoảng 2 năm, khi phố Lê Trọng Tấn - tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô chính thức được đưa vào thí điểm - đã xuất hiện hàng loạt ý kiến khen chê, góp ý. Để rồi cuối cùng, tuyến phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn quay trở lại hình hài ban đầu, đánh dấu sự thất bại của ý tưởng đồng bộ đường phố trong đề án thí điểm tuyến đường văn minh đô thị giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến 2030 của Hà Nội.

Tưởng chừng bài học phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn vẫn còn nguyên giá trị, thì bất ngờ, chính quyền phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho cắm 200 cây cột trên vỉa hè dọc tuyến phố Đình Thôn với mục đích đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo của các hộ kinh doanh ở mặt đường.

Tuyến đường này được nâng cấp cải tạo năm 2016, dài khoảng 500m (từ đầu cổng làng mặt đường Phạm Hùng đến ngõ 179 đường Đình Thôn) với khoảng 200 hộ kinh doanh. Chiều rộng lòng đường khoảng 5,5m; vỉa hè chỗ có, chỗ không. Một số đoạn vỉa hè là đất của các hộ dân tại mặt đường tự bỏ ra làm chỗ để xe và kinh doanh buôn bán.

Chủ cửa hàng tạp hóa M.T, trên đường Đình Thôn cho rằng, biển quảng cáo được đồng nhất về kích thước, màu sắc tạo ra sự đồng bộ, ngăn nắp. Tuy nhiên, vỉa hè nhỏ trong khi hàng loạt cột sắt được dựng lên phần nào gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, không tạo được sự sáng tạo trong nghệ thuật quảng cáo cũng như khó phân biệt các thương hiệu; khách hàng phải đến tận nơi mới nhìn thấy cửa hàng, không có nét đặc sắc riêng…

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, nhiều người dân cho rằng, tuyến phố và vỉa hè nhỏ trong khi đó cửa hàng kinh doanh nhiều nên việc làm cột trên vỉa hè khiến người đi bộ gặp phải khó khăn. “Theo quy định, chiều cao của biển hiệu quảng cáo so với mặt đất là 3 mét. Nhiều cửa hàng tận dụng luôn bảng biển cũ nên nhìn tổng thể vẫn chưa được đồng đều, thống nhất. Việc làm này rập khuôn máy móc chứ không đổi mới vì trước đó thành phố đã triển khai ở phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân nhưng không phát huy hết hiệu quả...”, một người dân phản ánh.

Đề án được chia làm 3 giai đoạn, hiện nay UBND phường Mỹ Đình 1 đã triển khai giai đoạn 1 là cắm cột và đồng bộ hóa biển quảng cáo
  • Đề án được chia làm 3 giai đoạn, hiện nay UBND phường Mỹ Đình 1 đã triển khai giai đoạn 1 là cắm cột và đồng bộ hóa biển quảng cáo

Quận yêu cầu báo cáo, dừng triển khai

Ông Ngô Hùng Trường - Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, khi bắt tay thực hiện đề án, chính quyền đã vận động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Việc này bảo đảm công khai, dân chủ, sát thực tế tại địa phương. Đề án được chia làm 3 giai đoạn, hiện tại UBND phường Mỹ Đình 1 đã triển khai giai đoạn 1 là cắm cột và đồng bộ hóa biển quảng cáo. Toàn bộ biển quảng cáo, biển hiệu dọc tuyến đường này được lắp đặt theo đúng quy định với chiều cao của bảng biển là 1,2m, không quy định màu sắc.

Sau phố Lê Trọng Tấn năm 2016 đến nay là tuyến Đình Thôn, chúng ta phải rút kinh nghiệm có lẽ phải đặt vấn đề. Bởi diện mạo hai bên tuyến phố nó là biểu hiện của văn hóa, biểu hiện khoa học kỹ thuật. Nhưng phải có quản lý tốt và phải do dân, vì dân chứ không phải áp đặt được, phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cũng như các chuyên gia. Phường Mỹ Đình 1 lý giải là chia ra làm nhiều giai đoạn thì không phải. Khu hồ Hoàn Kiếm trước đó đã có rất nhiều cuộc họp đưa ra thiết kế, mời cả nước ngoài tư vấn và làm đồng bộ cả kiến trúc, quảng cáo, cây xanh, chiếu sáng… nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

 

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm -

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

“Kế hoạch bắt đầu thực hiện từ ngày 4/4 đến hết ngày 30/8/2018. Nguồn kinh phí thực hiện dự án chủ yếu kêu gọi xã hội hóa và sự tự giác của nhân dân. Việc triển khai đề án sẽ góp phần xây dựng Mỹ Đình 1 xanh - sạch - đẹp, làm tiền đề thực hiện nhân rộng các tuyến đường trên địa bàn, từng bước đưa địa phương đạt chuẩn văn minh đô thị…”, ông Trường thông tin.

Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 cũng cho rằng, những gì đã làm ở đường Đình Thôn mới chỉ là thí điểm thực hiện tuyến đường văn minh đô thị. Từ thực tế việc triển khai chỉnh trang tuyến đường này, địa phương sẽ tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí… tổng kết rút kinh nghiệm.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với Báo GD&TĐ sáng 13/11, một lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, kế hoạch trên là do phường tự triển khai (phường Mỹ Đình 1 - PV). “Quận không chỉ đạo phường làm việc này. Phường tự ý dựng cột cho đến khi báo chí đưa tin. Quận đã có ý kiến yêu cầu phường dừng triển khai, phường phải báo cáo quận lộ trình tháo dỡ cột”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.