Tuyển dụng viên chức y tế và kế toán trường học: Cửa mở nhưng lòng đóng

GD&TĐ - Sau hơn 4 năm kiến nghị, mới đây, TPHCM đã giao cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện và TP Thủ Đức tuyển dụng viên chức làm y tế, kế toán trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập.

Hoạt động tư vấn y tế học đường tại trường học. Ảnh minh họa
Hoạt động tư vấn y tế học đường tại trường học. Ảnh minh họa

Điều này được xem là gỡ khó và tạo động lực mới cho nhân sự ở lĩnh vực này.

Gỡ khó cho cơ sở

Theo đó, UBND TPHCM đã có văn bản giao cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện và thành phố Thủ Đức tuyển dụng viên chức thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trực thuộc.

Đồng thời, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, biên chế số lượng người làm việc được giao hằng năm, có trách nhiệm rà soát số người làm việc hiện có và nhu cầu để quyết định tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, kế toán phù hợp với thực tiễn. Việc tuyển dụng phải đảm bảo số lượng người làm việc phù hợp theo các quy định, không tăng tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao và thực hiện tinh giản, tiết kiệm biên chế theo quy định.

Trước đó, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về việc tuyển dụng viên chức vào vị trí y tế, kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Theo UBND TPHCM, Thông tư chuyên ngành về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã quy định các vị trí y tế, kế toán, văn thư và thủ quỹ (thuộc những vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ) và cho phép thực hiện tuyển dụng viên chức đối với các vị trí này.

Theo cô Lý Thị Mỹ Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.12, TPHCM), từ năm 2015 trở lại đây, các trường không được tuyển dụng nhân viên y tế, nhân viên kế toán khiến cho việc thực hiện các nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Không chỉ tại các địa phương mà ngay cả thành phố lớn nhất cả nước như TPHCM thì việc thiếu nhân sự kế toán, y tế trường học cũng khiến cho các công việc, báo cáo… liên quan đến lĩnh vực này gặp khó khăn.

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải thực hiện ký hợp đồng lao động trong thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ y tế, tài chính, kế toán. Thế nhưng, việc thực hiện ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên không còn phù hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

Hoạt động kế toán tại một cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa
Hoạt động kế toán tại một cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa

Phù hợp với tình hình mới

Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), việc UBND TPHCM có văn bản giao cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND quận/huyện và thành phố Thủ Đức tuyển dụng viên chức thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, là quan điểm phù hợp với tình hình thực tế tại các trường học hiện nay.

“Đây là một tin vui cho tất cả các trường mầm non, phổ thông công lập. Hai vị trí này cũng rất quan trọng trong nhà trường. Bởi kế toán trường học là bộ phận tham mưu, giúp việc cho hiệu trưởng thực hiện chức năng tổ chức, quản lý trong công tác tài chính – kế toán theo chế độ Nhà nước ban hành. Giúp cho việc cân đối về tài chính cũng như việc chi tiêu, cấp phát lương và các chính sách liên quan đến quyền lợi của CB-GV-NV trong nhà trường.

Còn y tế là bộ phận chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là công tác sơ cứu ban đầu. Y tế trường học là một lĩnh vực thuộc chuyên ngành y tế dự phòng bao gồm một hệ thống các phương pháp, biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe học sinh, biến các kiến thức khoa học thành các kỹ năng thực hành trong mọi hoạt động sống của lứa tuổi học đường…” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

“Nay đọc thông tin về chủ trương của UBND TPHCM tôi rất vui, hy vọng sắp tới mình trở thành viên chức của trường để công việc được ổn định hơn và đảm bảo được các quyền lợi của mình” - chị Nguyễn Như Thu chia sẻ.

Chị Nguyễn Như Thu - nhân viên kế toán tại một trường tiểu học tại Q.Tân Phú (TPHCM) - cho biết, trước đây cứ làm việc với trường theo hợp đồng từng năm nên cũng có phần không an tâm. Đồng thời, cũng do không phải biên chế của trường nên cũng bị thiệt thòi một số quyền lợi.

Tương tự, ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8 (TPHCM) - cho rằng, nhiều trường học trên địa bàn Quận 8 thiếu nhân viên kế toán và y tế. Số đang làm việc ở các trường thì hầu hết theo diện hợp đồng. Phòng GD&ĐT Quận 8 đã nhiều lần kiến nghị lên Sở GD&ĐT xin tuyển nhân viên kế toán, y tế. Sở GD&ĐT cũng kiến nghị lên UBND TP và thành phố đã có kiến nghị đến các cơ quan liên quan. Bởi việc tuyển theo hợp đồng tuy có ràng buộc các điều khoản nhưng rủi ro rất lớn. Không phải viên chức nên họ không yên tâm công tác, trong khi đây là bộ phận quan trọng của trường, đặc biệt là kế toán.

Theo cô Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM), cho phép giao quyền thực hiện tuyển dụng viên chức vào 2 vị trí này là một lối mở cho bài toán nhân sự nhân viên trường học. Tuy nhiên dù được tuyển nhưng chính sách chăm lo đời sống cho nhân viên các vị trí này nếu thiếu sức thu hút thì cũng khó có chất lượng, bền vững. Bởi hiện nay, thu nhập của vị trí công tác này trong nhà trường và bên ngoài có sự chênh lệch.

Trong khi đó, một giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Tân Phú, TPHCM) cho biết, thường vị trí kế toán tại trường cũng chỉ 1 - 2 người. Sau khi có thông báo, nhân viên vị trí này làm thủ tục nghỉ việc và nộp đơn tuyển dụng viên chức trở lại theo đúng quy định.

“Công việc kế toán rất nhiều, phải làm thường xuyên và liên quan đến tài chính thì cần phải có chuyên môn sâu. Ở khía cạnh quản lí nhân sự thì người hợp đồng không tạo được sự ổn định trong công tác vì việc nhiều mà hợp đồng không phù hợp thì họ sẽ nghỉ. Do đó, việc UBND TP cho tuyển dụng viên chức 2 vị trí công việc này sẽ tạo động lực mới cho hoạt động này tại trường” - giáo viên này chia sẻ.

“Hai vị trí nhiệm vụ y tế, kế toán trong nhà trường cũng rất quan trọng. Nên việc công nhận lần này hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động và đảm bảo nguồn chi trả lương cho đơn vị…”. - Thầy Phạm Trung Hữu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.