Tuyển dụng viên chức y tế và kế toán trường học: Loay hoay vì… thay đổi chính sách

GD&TĐ - Thiếu nhân viên dẫn đến lãnh đạo một số trường học phải làm công tác văn thư. Giáo viên kiêm nhân viên y tế học đường, một kế toán phải làm việc cho nhiều trường hoặc kế toán xã kiêm luôn kế toán trường học…

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi) kiểm tra “chéo” lẫn nhau trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Học sinh Trường Tiểu học & THCS Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi) kiểm tra “chéo” lẫn nhau trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Tình trạng trên phổ biến ở nhiều trường, đôi khi dẫn đến tình huống éo le.

Thầy hiệu trưởng kiêm nhân viên y tế, thiết bị

Thầy Nguyễn Trí Dũng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) kiêm nhiệm công việc của 2 Phó Hiệu trưởng, nhân viên thiết bị thư viện, y tế học đường. Kế toán của nhà trường đã chuyển công tác từ 3 năm trước. Phần việc kế toán đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ nên nhà trường phải nhờ kế toán của trường khác. Nhân viên kế toán này cũng đang kiêm nhiệm kế toán cho 3 trường nên chỉ lương giáo viên được trả đúng hạn. Các tổ chức hoạt động, chế độ chính sách bán trú cho học sinh và một số hoạt động khác đều bị chậm trễ.

Phần việc kế toán, dù có chậm trễ, nhưng có người kiêm nhiệm nên thầy Dũng cũng đỡ được một phần lo lắng. Những đầu việc khác, từ lưu trữ, sắp xếp giấy tờ, công văn đi - đến… đều do một tay thầy hiệu trưởng soạn thảo, trình ký rồi gửi đi. Vì vậy, việc chậm trễ, không đúng hạn không tránh khỏi. Do không có nhân viên y tế sơ cứu ban đầu nên những khi học sinh đau ốm đột ngột trong giờ học, giáo viên phải đưa các em đến trạm y tế xã cách đó khoảng 1km.

Bà Đinh Thị Thu Hương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng - cho biết: “Trường Tiểu học Trà Phong thiếu cán bộ quản lý và nhân viên trường học do đang trong thời gian xây dựng đề án sáp nhập trường. Trước đây, trường thuộc huyện Tây Trà cũ. Thời điểm đó, trong kế hoạch của huyện đến năm 2021 sẽ sáp nhập Trường Tiểu học Trà Phong và Trường Tiểu học số 2 Trà Phong thành Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Phong. Tuy nhiên, việc sáp nhập tạm dừng vì huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng sáp nhập thành huyện Trà Bồng. Hiện, đề án sáp nhập được xây dựng lại, đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ triển khai”.

Theo bà Hương, trong thời gian chờ sáp nhập trường, nếu bổ nhiệm, tuyển dụng các vị trí còn thiếu thì khi sáp nhập dẫn đến tình trạng thừa người. “Lúc đó, sẽ khó khăn trong điều động nhân sự. Vì thế, huyện có chủ trương tạm thời chưa bổ nhiệm, tuyển dụng để chờ sáp nhập trường. Ngành đã động viên hiệu trưởng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian này. Sau khi sáp nhập trường, những vị trí công việc nào còn thiếu thì tổ chức tuyển dụng để đảm bảo duy trì các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Nhiều trường học phải hợp đồng với trạm y tế xã thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS do thiếu nhân viên y tế.
Nhiều trường học phải hợp đồng với trạm y tế xã thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS do thiếu nhân viên y tế. 

Kiêm nhiệm hoặc biên chế liên trường

Thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, các trường học tại Quảng Ngãi buộc phải chấm dứt hợp đồng nhân viên các vị trí kế toán, văn thư, y tế học đường. “Thời điểm đó, phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường học, nếu HS gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn… khi đang sinh hoạt tại trường phải chuyển đến trạm y tế xã để kịp thời được sơ cấp cứu. Tuy nhiên, do công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu không được thực hiện tại trường học nên các trường gặp khó khăn trong việc thuyết phục phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế” – ông Phan Bường, Trưởng phòng GD&ĐT Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết.

Các trường học không được phép ký hợp đồng lao động chuyên môn - nghiệp vụ đối với các vị trí kế toán, y tế, phụ trách thiết bị thí nghiệm. Chính vì vậy, 100% trường học ở Sơn Tây (Quảng Ngãi) không có nhân viên cho các vị trí việc làm trên. Ông Bùi Thế Giới – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây - cho hay: “Trước đó, một kế toán của phòng GD&ĐT làm giúp khối lượng công việc cho 20 đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Nhưng theo quy định mới, phòng GD&ĐT cũng không có vị trí này nên chúng tôi điều chuyển kế toán về trường học. Chuyển công tác, kế toán cũng đồng thời gánh theo việc về đơn vị mới vì cả huyện đều “trắng” kế toán”.

Dù phải đảm nhiệm một khối lượng hồ sơ sổ sách tương đối lớn nhưng kế toán của Phòng GD&ĐT Sơn Tây không nhận được thêm bất kỳ một khoản lương nào. Nếu trường học nào cân đối được có thể bồi dưỡng thêm nhưng cũng không đáng là bao.

Khi Quảng Ngãi chưa thực hiện tuyển dụng kế toán và nhân viên y tế, những trường học nào của huyện Ba Tơ thiếu kế toán thì công việc tài vụ sẽ do kế toán xã kiêm nhiệm. Tuy nhiên, do kế toán xã không nắm được các quy định liên quan đến tài chính trường học nên rất khó trong việc tham mưu mua sắm, trang bị thiết bị đồ dùng học tập, thực hiện các chế độ chính sách…

Từ năm 2020 dù đã thực hiện tuyển dụng nhân viên trường học, tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn chưa “phủ kín” hết được. Theo ông Bùi Thế Giới, toàn huyện có 19 trường học nhưng chỉ tuyển dụng được 10 chỉ tiêu nhân viên y tế. “Chúng tôi ưu tiên bố trí nhân viên y tế cho các trường đã đạt chuẩn để giữ chuẩn. Những trường nào còn trống vị trí này thì hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu với trung tâm y tế xã” – ông Giới thông tin.

Tương tự, thị xã Đức Phổ vẫn có một số trường phải sử dụng chung nhân viên y tế. “Sau khi tuyển dụng, huyện còn thiếu 10 nhân viên y tế. Do đó, có một số nhân viên phải kiêm nhiệm chung cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở 2 trường học. Chúng tôi bố trí theo hướng liên cư, liên địa, 2 trường không quá xa nhau để nhân viên y tế đỡ vất vả khi di chuyển. Dù phải đảm nhiệm khối lượng công việc của 2 trường nhưng số nhân viên này chỉ được nhận 1 lương nên cũng thiệt thòi” – ông Phan Bường thừa nhận.

“Theo yêu cầu vị trí việc làm, nhân viên y tế học đường buộc phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, tức là tối thiểu phải là y sĩ đa khoa. Trong khi đó, theo Nghị định 161, các trường hợp người lao động được đào tạo điều dưỡng xếp vị trí nhân viên y tế đều buộc phải chấm dứt hợp đồng. Trên thực tế, số người tốt nghiệp y sĩ đa khoa rất ít và các cơ sở đào tạo y tế đã ngừng đào tạo mã ngành này. Vì vậy, số lượng hồ sơ tham dự thi tuyển vị trí nhân viên y tế trường học ít hơn nhiều so với nhu cầu” – ông Bường giải thích. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.