Tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng: Không để “phép vua thua lệ làng”

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lâu năm, đồng thời đề xuất có cơ chế tái ký hợp đồng với giáo viên giỏi, đáp ứng yêu cầu dạy – học trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Chu Lé Chừ.
Đại biểu Quốc hội Chu Lé Chừ.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai.
Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai. 

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chia sẻ: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tôi nhận được thư phản ánh của một số giáo viên hợp đồng ở Hà Nội. Trong thư thầy cô bày tỏ bức xúc trước nguy cơ bị mất việc làm.

“Tôi đã gửi hồ sơ đến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội, Sở GD&ĐT để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các nhà giáo” – đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho hay.

Theo đại biểu, chúng ta không nên “vắt chanh bỏ vỏ” và càng không nên để tình trạng “phép vua thua lệ làng”. Vì thế, giáo viên nào thuộc diện tuyển dụng đặc cách theo hướng dẫn tại Công văn 5378/BNV-CCVC, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng.

“Trong trường hợp cần thiết, tôi sẽ có ý kiến trực tiếp lên Quốc hội” - đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai quả quyết, đồng thời khuyến nghị: Nếu giáo viên nhận thấy địa phương thực hiện sai chủ trương, chính sách của Nhà nước về tuyển dụng giáo viên, trong đó có tuyển dụng đặc cách có thể phản ánh, kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố hoặc Hội đồng Nhân dân các cấp – nơi mình công tác, để quyền lợi của mình được bảo vệ chính đáng.

Mặc dù nơi đại biểu Ka H’Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông công tác - thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng trước năm 2015, nhưng theo đại biểu đâu đó vẫn có địa phương chưa thực hiện theo, hoặc trong quá trình thực hiện thiếu công khai, minh bạch gây bức xúc cho giáo viên. Đại biểu đề nghị, các địa phương cần rà soát lại tất cả giáo viên hợp đồng, từ đó đối chiếu với hướng dẫn của Bộ Nội vụ để tuyển dụng đặc cách những trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Đại biểu Chu Lé Chừ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu tán thành với chủ trương tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng lâu năm theo hướng dẫn tại Công văn 5378/BNV-CCVC. Đây không chỉ là vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động, mà còn chính sách nhân văn và an sinh xã hội. 

Tạo “lối mở” cho giáo viên hợp đồng

Đại biểu Quốc hội Ka H’Hoa.
 Đại biểu Quốc hội Ka H’Hoa. 

Đại biểu Chu Lé Chừ cho biết sẽ theo dõi, giám sát việc tuyển dụng GV hợp đồng lâu năm tại các địa phương. Nơi nào không thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, cần làm rõ trách nhiệm.

Đại biểu đoàn Lai Châu đề xuất: Với trường hợp không thuộc diện xét tuyển đặc cách, nếu còn chỉ tiêu, các địa phương nên xem xét những giáo viên giỏi, tâm huyết và có nguyện vọng tiếp tục được cống hiến trong ngành Giáo dục, tái ký hợp đồng với họ. Đây cũng là giải pháp để thu hút và giữ chân người tài cho ngành Giáo dục.

Đồng quan điểm, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng: Trường hợp cần thiết có thể tái ký hợp đồng với giáo viên không thuộc diện tuyển dụng đặc cách nhưng có năng lực sư phạm tốt. Ngoài ra, chúng ta nên có “lối mở” cho đội ngũ này.

Nên chăng, các địa phương củng cố và phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên để “kích cầu” nhu cầu học tập suốt đời của người dân địa phương. Làm được việc này, sẽ giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc làm cho đội ngũ giáo viên hợp đồng; qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội…

Theo đại biểu Ka H’Hoa, chúng ta nên chú trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo, không nên chạy theo số lượng để lấp đầy chỉ tiêu “biên chế”. Vì thế, các địa phương xem xét, tạo điều kiện để các nhà giáo tâm huyết, có trình độ chuyên môn tốt, để họ tiếp tục được gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT của địa phương mình.

Đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) với  vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và định mức quy định của Bộ GD&ĐT, để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên. (Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ