Phòng báo chí của Kalashnikov cho biết, kể từ đầu năm, các loại đạn pháo có độ chính xác cao đã bắt đầu được lắp ráp tại những cơ sở sản xuất mới được khánh thành vào cuối năm ngoái.
"Hàng chục loại máy móc mới đã được đưa vào vận hành và hiện đang thực hiện các 'hoạt động cơ khí' để chuẩn bị và trang bị các bộ phận chính của tên lửa dẫn đường", báo cáo cho biết.
Trước đó vào tháng 9 năm 2023 và đầu năm 2024, giới chức Nga đã hai lần cho biết sẽ tăng gấp đôi sản lượng loại đạn pháo này. Tuy nhiên kể từ đó chưa có thông báo sử dụng Kitolov trong chiến đấu được công khai, điều này trái ngược hẳn với "người anh em" của nó là Krasnopol.
Giống như Krasnopol, Kitolov sử dụng đầu dẫn hồng ngoại thụ động để điều chỉnh hướng bay của đầu đạn đến điểm chùm tia laser phản xạ. Sự khác biệt chính nằm ở cỡ nòng - loại đạn này được thiết kế cho hệ thống pháo D-30 và Gvozdika 122 mm.
Cả hai loại đạn đều sử dụng công nghệ giống nhau, vậy thì có gì khác biệt? Một lời giải thích hợp lý có thể là do sản xuất hạn chế các thành phần chính, chẳng hạn như đầu tự dẫn, chỉ tập trung tại các cơ sở của công ty LOMO.
Do đó, Nga đang ưu tiên sản xuất các loại đạn pháo 152 mm mạnh hơn và có tầm bắn xa hơn nhằm phát huy tốt hơn tiềm năng của chúng. Tầm bắn hiệu quả tối đa được công bố của đạn Kitolov-2M là 12 km, bằng một nửa so với Krasnopol.
Điều tương tự cũng áp dụng cho sức mạnh khi Kitolov chứa 5,3 kg thuốc nổ, trong khi loại Krasnopol chứa từ 9 đến 11 kg, tùy thuộc vào phiên bản. Có khối lượng đầu đạn lớn hơn nhiều, loại đạn 152 mm thích hợp hơn để tấn công các công sự hoặc thiết bị bằng đòn đánh gián tiếp.

Vào đầu cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, thị trường vũ khí đã xuất hiện một tình hình mà trong đó đạn pháo dẫn đường bằng laser dần trở nên lỗi thời khi xuất hiện sản phẩm ứng dụng cơ chế dẫn đường dựa trên tọa độ vệ tinh. Một trong những loại đạn dẫn đầu trong phân khúc này là M982 Excalibur nổi tiếng.
Tuy nhiên chiến tranh hiện đại đã đảo lộn ý tưởng về vai trò của những loại đạn dược như vậy: các hệ thống tác chiến điện tử phổ biến ở tiền tuyến đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với định vị vệ tinh và khiến việc sử dụng Excalibur đắt tiền trở nên gần như vô dụng.
Thay thế cho chúng trong quân đội Ukraine là đạn pháo M712 Copperhead vốn đã lỗi thời từ lâu, ngoại trừ một số trường hợp - đã chứng tỏ là một loại vũ khí đáng gờm.
Trong những năm chiến tranh, loại đạn dược tương tự của Nga vẫn không mất đi hiệu quả. Vào đầu cuộc chiến, phương tiện dẫn đường chính được Nga sử dụng là các trạm chiếu xạ mục tiêu bằng laser trên mặt đất.
Nhưng sau đó với sự phát triển của máy bay không người lái, vai trò này gần như đã được đảm nhiệm hoàn toàn bởi những chiếc UAV như Granat-4.
Rào cản chính khi sử dụng loại đạn này là khói trên chiến trường và độ cao của mây so với mặt đất, gây cản trở hoạt động của đầu dò. Chính vì vậy, đạn có điều khiển không được bắn thành loạt lớn và ở góc ngắm tối đa.