Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang leo thang, NATO đã có câu trả lời với đề xuất của Kiev cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công Nga.
Theo tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra ngày 17/9, khối quân sự này sẽ không quyết định chính sách chung cho việc sử dụng vũ khí tầm xa của Ukraine, mà coi đó là việc của từng nước thành viên đã viện trợ vũ khí cho Kiev trong thời gian qua.
Trong suốt vài tháng qua, Ukraine liên tục kêu gọi NATO cho phép họ sử dụng các loại khí tài hiện đại để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, trong đó đáng chú ý là hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer cuối tuần trước đã có cuộc thảo luận tại Washington về vấn đề này nhưng không tiết lộ chi tiết.
Các nguồn tin hôm 11/9 tiết lộ Anh đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow khi Ngoại trưởng Anh David Lammy và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến đi chung tới Kiev. Trong khi đó, một số nước thành viên NATO cũng đang có sự thay đổi lập trường về việc dỡ bỏ hạn chế với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga.
Các nước Thụy Điển, Phần Lan và Canada đã lên tiếng tuyên bố ủng hộ việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/9 thì tuyên bố Berlin sẽ không cho phép Kiev sử dụng vũ khí do mình tài trợ để tấn công lãnh thổ Nga, ngay cả khi các nước NATO khác có quan điểm ủng hộ.
Sự khác biệt trong quan điểm của các nước NATO về vấn đề cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa là do sự cảnh báo gay gắt của phía Nga. Trong bài phát biểu gần nhất hôm 12/9, Tổng thống Nga Vladymir Putin cho rằng Ukraine không đủ khả năng tự vận hành các loại vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ, mà cần phải có thông tin tình báo từ vệ tinh của NATO cung cấp. Do đó nếu Phương Tây cho phép Ukraine sử dụng chúng tấn công Nga thì đồng nghĩa các nước NATO đang tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hiện nay.
Vì vậy Moscow tuyên bố sẽ đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên những mối đe dọa đang phải đối mặt nếu điều trên diễn ra. Tổng thống Nga Putin không cho biết chi tiết phản ứng của nước này sẽ như thế nào. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thì tuyên bố sự kiên nhẫn của Nga là có giới hạn và Moscow đang phải kiềm chế không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Những diễn biến mới này diễn ra trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh hoạt động đáp trả đối với cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Kursk của Nga. Một trong những mục tiêu của Nga là tỉnh biên giới Sumy của Ukraine liên tục hứng các đợt không kích lớn của Nga trong những ngày qua, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng năng lượng.
Hiện nay hai tỉnh biên giới Sumy của Ukraine và Kursk của Nga đang là chiến trường ác liệt nhất của cuộc xung đột. Nếu việc sử dụng vũ khí tầm xa của Ukraine nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước NATO, phạm vi xung đột sẽ còn mở rộng sâu hơn vào lãnh thổ Nga và điều này đang là nguy cơ tiềm tàng nhất khiến cuộc chiến này lan rộng ở châu Âu.
Bình luận