Sốt xuất huyết và những dấu hiệu nguy hiểm không thể bỏ qua

GD&TĐ - Hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp và đã len lỏi đến từng ngõ ngách khắp 61 tỉnh, thành phố nước ta. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan với dịch bệnh nguy hiểm chết người này.

TS Nguyễn Đăng Mạnh thăm khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết ở BV TƯQĐ 108.
TS Nguyễn Đăng Mạnh thăm khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết ở BV TƯQĐ 108.

TS. BS. Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm (Bệnh viện TƯQĐ 108) lưu ý một số dấu hiệu nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng thâm chí gây tử vong đối với bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH).

Cách nhận biết sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegupti. Hiện nay, các bệnh viện (BV) đầu ngành truyền nhiễm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số bệnh nhân (BN) mắc sốt xuất huyết (SXH) luôn trong tình trạng quá tải.

TS. Nguyễn Đăng mạnh cho biết: Tại Hà Nội, những ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã tăng lên 300 người/ngày. Còn BV Trung ương Quân đội 108 (BV 108), số bệnh nhân đến khám phát hiện mắc SXH từ 200 - 250 trường hợp; Số người nhập viện điều trị khoảng 30 - 40 BN/ngày (tăng gấp 4-5 lần cùng kỳ này năm ngoái)…

Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch bệnh là do tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng luôn gia tăng về số lượng ca mắc và mở rộng khu vực, do vậy sự kiểm soát nguồn lây nhiễm còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu mưa nắng thất thường, người dân còn chủ quan, xem thường bệnh SXH và chưa chủ động thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh như vệ sinh môi trường, đặc biệt chưa thay đổi đáng kể trong việc trữ nước và loại bỏ các vật phế thải - nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.

SXH thường xảy ra vào mùa mưa từ tháng 5 - 11 hằng năm, nhưng năm nay dịch đến sớm hơn và ngày càng gia tăng ở Hà Nội, mặc dù thành phố đã áp dụng mọi biện pháp để dập dịch.

Bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cao (giống như những sốt vi-rút khác) và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau, thể nặng có sốc do giảm khối lượng máu lưu hành.

Bệnh SXH có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nhức 2 hốc mắt, da xung huyết, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Để nhận biết có mắc SXH, cần xét nghiệm máu có tiểu cầu giảm, xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1 (+), xét nghiệm tìm kháng thể ELISA IgM (+).

Những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Sau khi bị muỗi đốt người bệnh thường có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người thì bệnh nhân lui sốt. Nhưng chính giai đoạn lui sốt này xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc… Cho nên người dân không nên chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4-7).

Bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Nếu bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện đe dọa như li bì (ở trẻ nhỏ), mệt mỏi, buồn nôn hoặc 1 số trường hợp xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, nên đến bệnh viên ngay để kịp thời điều trị vì có thể diễn tiến nặng trong 1 vài giờ tới.

TS. Nguyễn Đăng Mạnh khuyến cáo: "Biến chứng nguy hiểm SXH là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hậu quả của quá trình bệnh lý của SXH là tăng tính thấm thành mạch thoát huyết tương ra khoảng gian bào; Thứ 2 là xuất huyết do giảm tiểu cầu đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao".

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, dịch SXH diễn biến phức tạp trên diện rộng. Nhiều thể bệnh đặc biệt: bệnh nhân bệnh mạn tính, chuyển từ khoa khác: rối loạn đông máu, suy thận, gan, suy tim, phụ nữ có thai,… Nhiều bệnh nhân nặng: giảm tiểu cầu, xuất huyết. Số ca mắc và nhập viện không ngừng tăng…

Bên cạnh công tác phòng chống các tác nhân gây bệnh, khi phát hiện các triệu chứng đặc thù, cần nhận biết đầy đủ các giai đoạn của SXH để có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ