Báo dẫn nguồn tin từ PLA rằng 2 tướng Ye và Wei đã bị bắt hồi tháng Năm. Ye trong độ tuổi 60, về hưu hồi đầu năm nay, từng là Chính ủy Quân khu Tứ Xuyên. Ông ta đã bị bãi nhiêm khỏi Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) sau khi bị bắt. Nhà của ông ta cũng bị khám xét.
Tướng Wei - 55 tuổi, hiện là Phó chính ủy Quân khu Tây Tạng sau khi được bổ nhiệm năm 2011. Trước đó, ông ta là sĩ quan cấp cao ở Tứ Xuyên.
Trung Quốc hiện có chiến dịch bài trừ tham nhũng. “Mặt trận chính” của chiến dịch này là tỉnh Tứ Xuyên, nơi cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang từng là Bí thư Tỉnh ủy. Nguồn tin của Reuters nói Chu đã bị quản thúc tại gia, trong khi bị điều tra về tội tham nhũng.
Ye và Wei đều bị nghi dính líu vụ đại án tham nhũng của Chu, người được cho là “ô dù” của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, quan hệ bất chính và lạm dụng quyền lực.
Hồi tháng Ba, cựu tướng Gu Junshan bị buộc tội tham nhũng, là một trong những tai tiếng nghiêm trọng nhất của PLA từ vài năm qua. Các nguồn tin của Reuters nêu Xu Caihou - Phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương và từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc về hưu năm 2012, cũng bị quản thúc tại gia trong lúc điều tra Gu.
Ngày 27/6, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khai trừ đảng đối với Xu Jie - Cựu Phó chủ nhiệm văn phòng tiếp dân - xử lý khiếu nại, tố cáo ông ta nhận hối lộ, quan hệ bất chính và nhiều vụ vi phạm pháp luật khác.
Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật Trung ương (CCDI, thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc) nói Xu phải chịu trách nhiệm về một loạt vụ việc liên quan văn phòng tiếp dân.
Một cuộc điều tra phát hiện Xu lợi dụng “ghế” để đòi và nhận nhiều khoản đút lót lớn. Xu cũng là một tên ngoại tình hàng loạt, nhưng CCDI không cung cấp chi tiết.
Đây là một trong những hành vi vi phạm kỷ luật đảng: đảng viên phải có đạo đức sâu sắc và nếu suy thoái đạo đức-như ngoại tình-thì phải bị kỷ luật.
CCDI nêu Xu sẽ bị chuyển qua cơ quan pháp lý để chịu xét xử theo đúng tinh thần tuân thủ luật pháp.
Vào thời phong kiến, triều đình lập chốn công đường để người dân có thể xin xem xét tình trạng quan lại nhũng nhiễu, hành dân, nhất là ở cấp làng xã.
Sau cuộc cách mạng năm 1949, các văn phòng tiếp dân - khiếu nại được lập, nhưng việc giải quyết khiếu nại thường bị chính quyền địa phương can thiệp, nên bị xem là chốn mà dân thường khó được giải quyết những khiếu nại của họ, theo Reuters.
Đó là lý do mà người dân các tỉnh thành tìm về thủ đô Bắc Kinh để khiếu nại đông người, và họ thường bị công an tìm cách giải tán, cưỡng ép họ trở về quê quán. Theo Reuters, họ còn có thể bị giam nhốt trong các trại tạm giam, bị đánh đòn, không cho ăn uống và bị lạm dụng thể xác.
Trong một diễn biến khác, CCDI cho biết một cựu Bí thư Thành ủy Ya’an (tỉnh Tứ Xuyên) đã bị khai trừ đảng vì “hủ hóa” với nhiều phụ nữ đã có chồng.