Thế nhưng nó chỉ thực sự hóa thành các tác phẩm điêu khắc để đời nhờ vào đầu thế kỷ 20, khi người ta phát hiện ra chúng đa hình, dễ uốn.
Kỳ thực, sắt thép cũng có thể tồn tại khá lâu, tới gần 50 năm mới có thể biến dạng trước tác động của thời tiết. Sắt được mạ kẽm có tuổi thọ gần 100 năm và thép không gỉ (inox) thời gian còn lâu hơn. Vì vậy, đã có khá nhiều nghệ sĩ sáng tác với thép, nhất là thép không gỉ thay vì chỉ loay hoay với đồng - kim loại truyền thống trong hàng nghìn năm qua.
Với thép không gỉ, họ cũng không phải đúc mà đa số là gắn, hàn các chi tiết, bộ phận với nhau nên rất linh hoạt trong việc tạo hình và tiết kiệm thời gian. Điều thú vị là người ta có thể tạo được những pho tượng khổng lồ, chứa cả triệu mảnh, chứ không giới hạn ở những tác phẩm cỡ nhỏ hay bằng người thật.
Tượng bằng thép không gỉ thường cao tới hai, ba chục mét, nổi bật từ xa nên các tòa nhà cao tầng, thu hút du khách. Đứng trong nắng, chúng còn phản chiếu ánh sáng lung linh như những viên ngọc, còn khi về đêm dưới những ánh đèn neon, đèn led thì trở thành những ngọn đèn hải đăng rực rỡ.
Không ít tượng thép, inox nhờ vậy đã được xem là biểu tượng, hình ảnh đại diện cho một vùng, miền, thành phố và là điểm tham quan, chụp ảnh của du khách.
Đứng đầu danh sách này phải kể tới pho tượng Thiên thần phương Bắc của nhà điêu khắc Anthony Gormley, với chiều cao đến 20m, rộng 54m, ra đời năm 1998 tại ngoại ô thành phố Newcastle (Anh). Tượng có hình một người dang rộng đôi cánh đứng trên một đỉnh đồi cao như đang bay lên hoặc đáp xuống. Nó tượng trưng cho hy vọng cùng sự an lành trong cuộc sống.
Pho tượng được xây dựng để kỷ niệm sự chuyển giao giữa thời đại công nghiệp và thời đại thông tin. Nặng 150 tấn, tượng được đóng sâu xuống nền đất. Nó có thể chịu nổi sức gió tới 160 km/h và đứng sừng sững không suy chuyển trong 100 năm. Hàng năm, có 33 triệu lượt người thường xuyên ghé qua nơi đây để chụp ảnh, vui chơi dưới đôi cánh thần tiên.
Cũng có cánh song là một chú chim vĩ đại là pho tượng Con ó cắp trái bóng của nghệ sĩ Miklos Szoke. Tượng cao 12,5m, rộng 21m, xuất hiện năm 2017 tại thành phố Georgia (Mỹ) và được ghép từ hàng nghìn mảnh inox lớn cắt bằng tia laser trông rất sắc bén.
Là vua của bầu trời, nó đến với sân vận động Mercedes Benz Atlanta để mang tới sức mạnh, tốc độ và sự tinh tường, khéo léo cho các cầu thủ; Đồng thời muốn nói ai trong môn thể thao này cũng là một mãnh điểu ghê gớm và lôi cuốn.
Tượng Kelpies của nghệ sĩ Andy Scott là hai chú ngựa ngoi lên từ mặt nước, rũ bờm và hý vang. Khánh thành năm 2013, cao 30m, nặng hơn 300 tấn, tọa lạc ở bên ngoài thành phố Falkirk (Scotland), chúng được lấy cảm hứng từ những tinh nước (hải mã), theo truyền thuyết có thể hóa từ ngựa sang người trong những đêm trăng sáng giữa rừng. Kelpies là một kiệt tác bằng thép, có thể nói là thú vị nhất xưa nay ở nước này bởi chúng sinh động như thật.
Ngựa in hình S năm 2000 của nghệ sĩ Jurgen Goertz cũng khai thác yếu tố kỳ bí song nói về sự phát triển của ngành in ở thành phố Heidelberg (Đức). Tượng cao 13m, dài 15m, nặng 90 tấn, gợi nhớ tới những tri thức và trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.