Thậm chí ở Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM kẻ xấu còn chiếm quyền kiểm soát, đẩy giảng viên ra khỏi lớp. Không chỉ phá rối lớp học, kẻ xấu còn vào quậy các fanpage confession trên Facebook của các trường, hack cả một số hội thảo khoa học online. Đáng chú ý, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhóm kêu gọi phá rối lớp học trực tuyến với số lượng người tham gia lên đến hàng nghìn.
Dạy học trực tuyến trở thành giải pháp hữu hiệu để duy trì lớp học, bảo đảm sức khỏe cũng như bù đắp kiến thức cho học sinh, sinh viên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Hơn thế, đó là xu hướng trong bối cảnh giáo dục chuyển đổi số.
Vì thế, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho không gian học trực tuyến là cần thiết, không chỉ vì chất lượng dạy học, an toàn của người dạy, người học, mà còn vì sự tôn nghiêm của văn hóa học đường. Thực tế cho thấy, việc phá rối các lớp học trực tuyến đã làm ảnh hưởng xấu đến quá trình dạy học, tương tác, khiến giảng viên và sinh viên vô cùng bức xúc. Nhiều trường hợp kẻ xấu đưa những hình ảnh phản cảm, thậm chí có dấu hiệu bắt nạt… làm người học hoang mang.
Có nhiều nguyên nhân khiến các lớp học trực tuyến bị mất an ninh, trong đó có việc người dạy chưa rành kỹ thuật quản lý lớp. Một số lớp trực tuyến sử dụng phần mềm chưa có bản quyền, tính bảo mật kém, nên dễ bị người lạ đột nhập. Bên cạnh đó, một số học sinh, sinh viên thiếu ý thức đã chia sẻ đường link, ID và mật khẩu phòng học Zoom và Google Meet để người khác vào phá rối lớp… cho vui!
Để ngăn chặn hành động quấy phá lớp học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy và học trực tuyến.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, cơ sở giáo dục đã có nhiều biện pháp tích cực như sử dụng phần mềm bản quyền, tăng bảo mật hai lớp, báo cáo Facebook xóa các nhóm chia sẻ trái phép lớp học trực tuyến, xây dựng nội quy học tập với những quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dạy, người học… Đặc biệt, hoạt động tập huấn, tư vấn hỗ trợ giáo viên, giảng viên về kỹ thuật tổ chức, quản lý lớp học online được nhà trường hết sức chú ý.
Sự nỗ lực của toàn ngành là đáng ghi nhận, song để bảo đảm an ninh, an toàn cho lớp học trực tuyến, còn rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm minh, thậm chí xử lý hình sự đối tượng vi phạm để răn đe và phòng ngừa.
Thực tế cho thấy, pháp luật Việt Nam có khá đầy đủ quy định để có thể xử lý việc xâm nhập vào lớp học trái phép, làm cản trở hoạt động giảng dạy của nhà trường.
Đó là Luật An ninh mạng đối với các “hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”; Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Bộ luật Hình sự với Điều 289 về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử khác…
Thế nhưng cho đến nay còn quá ít vụ việc quấy phá lớp học được xử lý đến nơi đến chốn. Đây có lẽ là một nguyên nhân đáng kể khiến kẻ xấu thỏa sức lộng hành trên không gian giáo dục trực tuyến.