Kỷ cương cho lớp học trực tuyến

GD&TĐ - Câu chuyện một sinh viên đại học “công diễn” hành vi không phù hợp trong giờ học online mới đây đã gióng lên lời cảnh báo về vấn đề an ninh, kỷ cương lớp học trực tuyến.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thực ra, không phải đến bây giờ việc bảo đảm an ninh, nội quy lớp học trực tuyến mới được đưa ra bàn thảo. Từ năm ngoái, khi các cơ sở giáo dục đẩy mạnh dạy học online phòng dịch Covid-19, vấn đề này được nhiều người quan tâm.

Bởi thực tế dạy học, nhiều GV đã “tá hoả” trước hình ảnh HS, SV đang trên giường ngủ, áo quần xộc xệch, mắt nhắm mắt mở vào lớp hay vừa học vừa nói chuyện ồn ào, vô tư sinh hoạt riêng.

Có trường hợp GV đang giảng bài lại bị chèn hình ảnh phản cảm trên màn hình lớp học; tình trạng lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em cũng đã diễn ra trong một số lớp trực tuyến…

Để chấn chỉnh tình hình, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học trực tuyến, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc quản lý, xây dựng nội quy lớp học.

Các nhà trường đã tích cực tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội; phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HS, SV trong dạy học qua Internet.

Song song đó, các cơ quan quản lý an toàn thông tin, an ninh mạng cũng đã vào cuộc, góp phần hạn chế tối đa tác động xấu, tạo ra các chế tài có tính răn đe, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi xấu đối với việc dạy học online.

Các tác động xấu từ đối tượng bên ngoài gây mất an ninh lớp học trực tuyến có thể được hạn chế bằng các biện pháp kỹ thuật, cùng sự phối hợp của cơ quan liên quan. Thế nhưng việc giữ gìn nội quy bên trong lớp học, trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà trường, người dạy, người học. Cho đến nay hầu hết các cơ sở giáo dục đều xây dựng nội quy học trực tuyến.

Nhiều quy định chung về trách nhiệm HS, SV được ghi rõ như: Trang phục lịch sự, nghiêm túc; Chức năng micro của từng HV/SV luôn ở chế độ tắt, HV/SV sẽ bật micro khi được giảng viên chỉ định hoặc mời tham gia trao đổi hoặc bật camera khi được yêu cầu trình bày hình ảnh, sản phẩm, nội dung liên quan bài học;  Ngồi học ngay ngắn và tập trung như khi học trên lớp; Không bật các thiết bị, chương trình khác trên máy tính, để điện thoại chế độ im lặng, không làm việc riêng trong khi tham gia lớp học…

Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều lớp học trực tuyến chưa bảo đảm nội quy, đặc biệt việc xử lý vi phạm nội quy lớp học chưa được thực hiện nghiêm túc. Ở bậc cao đẳng, đại học, cả sinh viên lẫn giảng viên còn ít nhiều xuê xoa.

Một số giảng viên chia sẻ rằng đôi khi biểu hiện mất trật tự có thể xem là những tình huống … dễ thương và cho rằng không nên quá khắt khe trong mùa dịch Covid-19. Tình trạng không chịu chú ý học kéo dài thì mới trừ chút xíu vào điểm ý thức thái độ. Rất ít trường hợp vi phạm nội quy lớp học trực tuyến bị xử lý theo hình thức buộc dừng học môn học.

Từ buổi ban đầu “xuề xòa” với quan niệm học sao cũng được ở cả phía HS, SV, GV và phụ huynh, đến nay việc công nhận kết quả học trực tuyến cho thấy mô hình học tập này không phải là giải pháp tình thế, mà là phương thức học tập thật sự, song song với học trực tiếp.

Việc tăng cường nền nếp, kỷ cương lớp học trực tuyến với nội quy rõ ràng, khen thưởng và chế tài nghiêm túc là cần thiết. Đó không chỉ là biện pháp giúp bảo đảm chất lượng giáo dục, rèn ý thức, nhân cách, giữ an toàn cho HS, SV, GV mà còn góp phần xây dựng văn hóa học đường trong nền giáo dục thông minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ