Tương lai khó đoán

GD&TĐ - Trong Dự báo Kinh tế ngày 15/5, Liên minh châu Âu (EU) đã thận trọng nâng triển vọng của nền kinh tế Nga năm 2023.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến vẫn giảm nhưng chỉ ở mức 0,9% so với mức giảm 3,2% mà Ủy ban châu Âu dự đoán vào mùa Thu năm ngoái.

Khi nền kinh tế Nga đang dần điều chỉnh theo các lệnh trừng phạt của phương Tây, GDP của nước này có thể phục hồi “khiêm tốn” ở mức 1,3% vào năm 2024.

Lạm phát ở Nga trong năm 2023 đã giảm xuống còn 6,4% so với năm 2022 và có thể tiếp tục giảm thêm xuống 4,6% vào năm 2024.

Hơn một năm trước, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) áp hàng loạt lệnh cấm vận lên nước này, nền kinh tế Nga đứng trước nguy cơ sụp đổ. Do đó, triển vọng kinh tế của Nga trong thời điểm hiện nay là tương đối lạc quan và rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn chưa thể tự tin tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt đối với nước này là không hiệu quả. Trên thực tế, nhiều chỉ số của nền kinh tế Nga vẫn ở mức thấp.

Đơn cử, tiêu dùng cá nhân được dự báo vẫn nằm trong mức suy giảm. Hoạt động đầu tư có thể chậm lại so với năm 2022 hay sản lượng tiềm năng trong tương lai tiếp tục giảm do các nguồn lực sẽ bị chuyển sang những lĩnh vực kém hiệu quả hơn... Thậm chí, lạm phát có thể tăng cao trở lại.

Việc bị cô lập đã khiến nước Nga phải thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của nền kinh tế. Trước cuộc xung đột, chính sách kinh tế của Nga chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ, đa dạng xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hay di chuyển vốn tương đối tự do.

Nhưng giờ đây, trọng tâm chuyển sang kiểm soát vốn, phân biệt các quốc gia là “thân thiện” hoặc “thù địch”, tập trung ngân sách cho quân sự.

Ngoài ra, việc bị cô lập khiến Nga phụ thuộc ngày càng lớn vào một số đối tác nước ngoài, trong đó phải kể đến việc Nga “xích lại” gần hơn với Trung Quốc hay một số quốc gia như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE... Nhờ đó, Nga vẫn có thể duy trì chiến lược thương mại năng lượng nhưng sẽ giảm sức đàm phán trên thị trường quốc tế.

Các lệnh trừng phạt áp đặt lên lĩnh vực công nghệ cũng tước đi khả năng phát triển các dự án năng lượng ngoài khơi mới cũng như khai thác các mỏ khoảng sản khó tiếp cận của Nga. Chúng cũng hạn chế khả năng tiếp cận với các công nghệ chế tạo hiện đại, sản phẩm công nghệ cao hay vấn đề trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử.

Như vậy, sự thay đổi này để giúp hoạt động kinh tế thích nghi và tồn tại giữa làn sóng cấm vận nhưng chưa thể coi là một sự “thay da đổi thịt”. Nhìn chung, về trung hạn, các biện pháp trừng phạt sẽ khoét sâu vào điểm yếu của nền kinh tế Nga trong bối cảnh hiện nay như thiếu nhân lực, tăng trưởng năng suất kém, thiếu vốn đầu tư...

Bên cạnh đó, chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên chi tiêu quân sự vẫn là một trong những trọng tâm của chính sách kinh tế. Hiện nay, chi tiêu cho quân sự đang chiếm 1/3 ngân sách của Nga nên khi chưa đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, Nga vẫn phải duy trì đầu tư cho hạng mục này. Đổi lại, phát triển kinh tế được cho là vẫn chưa có nhiều đổi thay trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ