Thí sinh không nên lo lắng khi trường có 'tỉ lệ chọi' tăng cao

GD&TĐ - Thông tin một số trường tốp giữa tại Hà Nội có tỉ lệ chọi tăng đột biến trong năm học này đã khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng.

Học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) ôn thi.
Học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) ôn thi.

Một số trường có "tỉ lệ chọi" tăng đột biến

Ngày 17/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập năm học 2023-2024.

Số liệu công bố cho thấy, bên cạnh một số trường tốp đầu luôn có tỉ lệ chọi cao đã xuất hiện một số trường tốp giữa như THPT Khương Hạ, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Khương Đình, THPT Đống Đa, THPT Trung Văn, THPT Trương Định... Việc một số trường có tỉ lệ chọi tăng đột biến khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.

Anh Nguyễn Quốc Hưng, một phụ huynh học sinh ở quận Thanh Xuân cho biết: Sau khi nghiên cứu điểm chuẩn các trường trong những năm trở lại đây, anh quyết định cho con đăng ký vào trường THPT Khương Hạ vì điểm chuẩn của trường 2 năm trước thấp hơn so với các trường trong khu vực. Khi nghe tin đây là trường có tỉ lệ "chọi" cao nhất thành phố, cả gia đình đều rất lo lắng.

Còn Nguyễn Bảo Trâm, học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Năm nay, em đăng kí nguyện vọng 1 vào trường THPT Trương Định với mong muốn được học gần nhà và cũng mong muốn điểm chuẩn sẽ "nhẹ nhàng" như năm trước để có thể trúng tuyển. Sau khi biết thông tin tỉ lệ chọi của trường năm nay cao nhất quận nên em cũng rất hồi hộp.

Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay, toàn thành phố có 104.917 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, giảm 1.669 thí sinh so với năm học 2022-2023.

Chỉ tiêu tuyển sinh toàn thành phố ở nhóm trường công lập không chuyên là 69.805, tăng 785 chỉ tiêu so với năm học 2022-2023. Như vậy, tỷ lệ chọi (tỷ lệ cạnh tranh suất vào lớp 10) của năm nay ở các trường công lập là 1/1,5. Trong khi đó, tỷ này năm ngoái là 1/1,54.

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc tỷ lệ chọi cao liệu có dẫn đến việc điểm chuẩn cao hơn không, các thầy, cô giáo có kinh nghiệm chia sẻ rằng, không có căn cứ nào về việc tỷ lệ chọi cao thì điểm thi cao và điểm chuẩn cao.

Điểm chuẩn trúng tuyển từng năm phụ thuộc nhiều yếu tố, như: Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, chỉ tiêu, đề thi, lực học của học sinh... Tỷ lệ chọi chỉ là một trong những thông tin để thí sinh tham khảo, biết rõ hơn về mối tương quan giữa chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường đó, trong năm học đó.

Thí sinh không nên quá lo lắng, căng thẳng, nhưng cũng không chủ quan. Thực tế, tỷ lệ chọi thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp, bởi có thể những thí sinh đăng ký đều là những em học xuất sắc.

Học sinh Hà Nội dự kỳ thi vào lớp 10 THPT. (Ảnh: Xuân Nhi)

Học sinh Hà Nội dự kỳ thi vào lớp 10 THPT. (Ảnh: Xuân Nhi)

Nhiều cơ hội học tập cho học sinh

Trước băn khoăn về việc tại sao Hà Nội không cho phép đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi công bố tỷ lệ chọi như nhiều năm trước, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, đồng thời giúp công tác tổ chức tuyển sinh được khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chia các trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh.

Bên cạnh đó, với việc phân chia khu vực tuyển sinh, Sở quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập không chuyên (những năm trước là 2 nguyện vọng). Trong đó nguyện vọng cuối cùng có thể nằm ngoài khu vực tuyển sinh theo quy định. Sở cũng cho phép thí sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh để đăng ký nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, điều kiện và khả năng của bản thân và gia đình.

Ngoài việc lựa chọn nguyện vọng vào trường công lập không chuyên, học sinh được quyền đăng ký dự thi vào các trường chuyên (2 nguyện vọng) hoặc có thể dự tuyển vào trường tư thục, Trung tâm GDNN-GDTX... Sở cũng đã bố trí một khoảng thời gian dài (gần 1 tháng) cho học sinh nghiên cứu, lựa chọn và đăng ký nguyện vọng (từ ngày 31/3 đến 24/4/2023).

Như vậy, quyền lợi đăng ký và cơ hội học tập của học sinh thành phố rất nhiều. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 200 trường THPT, 29 Trung tâm GDNN-GDTX và hàng chục cơ sở đào tạo nghề có thể đáp ứng đủ nguyện vọng học tập của học sinh tốt nghiệp THCS.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các phương án tổ chức cho học sinh đăng ký dự tuyển như trên đã được triển khai ổn định, phù hợp với đặc thù của Hà Nội, tạo tâm lý ổn định cho học sinh và nhận được đồng thuận.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, theo kế hoạch, ngày mai, 18/5, Hà Nội mới công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường, song lịch này đã được đẩy sớm nhằm đáp ứng mong mỏi của phụ huynh, thí sinh.

Thời điểm này, thí sinh không nên quá lo lắng, tránh bị phân tán tư tưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập. Các em hãy bình tĩnh, tự tin, tích cực ôn tập trong nội dung chương trình đã được học để đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi tuyển sinh năm nay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng đề nghị phụ huynh động viên con em tập trung ôn tập và cùng đồng hành, hỗ trợ tốt nhất để các con có sức khỏe tốt trước khi bước vào kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.