Tương lai gần cho chuẩn trường nghề trình độ quốc tế

GD&TĐ - Đây là mục tiêu của Dự án đánh giá tổng thể các trường cao đẳng theo tiêu chuẩn của Anh, do chuyên gia Anh thực hiện. Dự án nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Tổng cục GDNN (Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp) và Hội đồng Anh về hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường.

Tương lai gần cho chuẩn trường nghề trình độ quốc tế

Hệ thống bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế

Chia sẻ về ý tưởng và mục tiêu cụ thể của dự án, TS Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho biết: Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trường cao đẳng tiếp cận trình độ quốc tế, nên việc sử dụng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo của các nước có nền giáo dục phát triển như của Anh để xác định mức độ hiện nay của các trường mạnh đáp ứng như thế nào so với chuẩn quốc tế là rất cần thiết. Việt Nam cũng sẽ học tập được rất nhiều kinh nghiệm của Anh để hoàn thiện quy trình và các tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo có thể tham chiếu được với chuẩn quốc tế.

Cũng theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Tổng cục GDNN, Hội đồng Anh và 2 trường tham gia dự án đã phối hợp rất chặt chẽ để thực hiện các công việc trước đợt đánh giá như thống nhất mục tiêu, phạm vi đánh giá, lựa chọn chuyên gia, hướng dẫn các vấn đề mang tính kỹ thuật cho các trường chuẩn bị… Bộ tiêu chí sử dụng đánh giá thuộc Khung kiểm định chung (Common Framework) của Ofsted, là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra và quản lý chất lượng toàn bộ cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Anh. Ofsted là cơ quan độc lập với chính phủ Anh, báo cáo trực tiếp cho Quốc hội.

Điểm đáng chú ý liên quan đến bộ tiêu chí của Osted là chỉ gồm các tiêu chuẩn mang tính định tính, mà không có tiêu chuẩn mang tính định lượng như ở nhiều bộ tiêu chí khác và chỉ đánh giá các yếu tố cốt lõi để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bà Angela Whiteside - chuyên gia đến từ Vương quốc Anh được mời tham gia dự án cho biết, Ofsted không đánh giá sự tuân thủ các quy định mà quan tâm đến “bảo đảm chất lượng thực sự”.

Mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp

Quá trình thực hiện dự án tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên gia Anh quốc đã có cuộc gặp chung với cán bộ quản lý của Sở, lãnh đạo nhà trường, trưởng các phòng, khoa, và có cuộc gặp riêng với từng lãnh đạo khoa. Đặc biệt, dành phần lớn thời gian tới doanh nghiệp để quan sát, phỏng vấn học sinh đang học, thực tập hoặc đã tốt nghiệp, phỏng vấn đại diện doanh nghiệp và dự giờ rất nhiều lớp học tại trường.

Thầy Lê Duy Cầu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Chính phủ và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lựa chọn, tập trung đầu tư thành trường hàng đầu Việt Nam, theo mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để trở thành trường đạt đẳng cấp quốc tế, nên kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí của Anh sẽ vô cùng có giá trị đối với nhà trường.

Thầy Lê Ân Tình - Trưởng phòng Kiểm định và Khảo thí về công tác chuẩn bị cho đợt đánh giá của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định: Nhà trường may mắn là một trong 21 trường cao đẳng được thụ hưởng dự án do Hội đồng Anh và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hợp tác từ năm 2015, trường đối tác từ Vương quốc Anh đã giúp đỡ chúng tôi xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng như đang thực hiện bên trường đối tác nên chúng tôi có nhiều thuận lợi khi tham gia đợt đánh giá này.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu và Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là 2 trường cao đẳng đầu tiên được lựa chọn tham gia dự án này. Chuyên gia Anh sau khi sang Việt Nam đã đi khảo sát thực tế tại mỗi trường trong 4 ngày. Kết quả đánh giá sẽ được chia sẻ tại một hội thảo được tổ chức tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tại hội thảo này, chuyên gia cũng sẽ trao đổi các kinh nghiệm liên quan tới kiểm định chất lượng của Vương quốc Anh và tư vấn về đánh giá các trường Việt Nam theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ