Tuy nhiên, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, các công ty Mỹ có chuỗi cung ứng đa quốc gia đang chịu tác động nặng nề. Kết quả là, Mỹ thiếu nguồn cung hàng hóa, giá nhập khẩu lẫn giá thành các mặt hàng trong nước tăng vọt.
Không chỉ Mỹ, các quốc gia khác trên thế giới cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, các nước vật lộn bù đắp vào lỗ hổng này.
Theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), cuộc khủng hoảng Covid-19 là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, thậm chí còn sâu rộng hơn cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Ước tính, nền kinh tế thế giới giảm 3,5% trong năm 2020. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực Đông Nam Á giảm 3,9% do mất nguồn thu từ du lịch quốc tế, giảm đầu tư tư nhân…
Sau hai năm dịch Coivd-19, nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc vào đầu năm 2022 khi các nước dần mở cửa biên giới và chuyển sang trạng thái bình thường mới. Nhưng một lần nữa, chiến dịch của Nga tại Ukraine cùng chính sách “không Covid” của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn trầm trọng hơn nữa từ nguồn cung cấp năng lượng đến xuất khẩu lúa mì, nguyên liệu thô…
Đầu tiên là tình trạng thiếu khẩu trang toàn cầu khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu khẩu trang lớn nhất thế giới, phải đóng cửa biên giới và ngừng xuất khẩu khẩu trang để đảm bảo nguồn cung trong nước. Câu chuyện này đã trở thành “biểu tượng” cho sự phụ thuộc của thế giới vào các nhà máy sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc.
Tiếp đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến thế giới mất khoảng 13% nguồn cung lương thực toàn cầu dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Hiện nay, Nga và Ukraine đều đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực toàn cầu. Xung đột khiến các nước trên thế giới phải tăng gia sản xuất để bù đắp thiếu hụt nguồn cung do hai nước này để lại.
Thêm vào đó, chính sách “không Covid” của Trung Quốc, quốc gia đóng góp 1/4 sản xuất toàn cầu, tiếp tục gây ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng vốn đã rối ren và khiến lạm phát trầm trọng hơn.
Ông Larry Fink, người đứng đầu tập đoàn tài chính BlackRock, cho biết: “Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa trong ba thập kỷ qua. Chúng tôi đã chứng kiến sự kết nối giữa các quốc gia, công ty trở nên lỏng lẻo hơn”.
Cùng quan điểm, ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định nền kinh tế thế giới đang chia thành các khối. Mỗi bên đều cố gắng tách khỏi nhau và sau đó giảm bớt ảnh hưởng của khối kia. Khi ấy, toàn cầu hóa sẽ nhường chỗ cho phi toàn cầu hóa.
Điều này giúp các nền kinh tế trở nên tự chủ hơn, an toàn hơn trước những biến động chung của thế giới nhưng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm mạnh, kéo theo đó là nền kinh tế ít sự đổi mới hơn. Đây là dấu hiệu cho sự quay trở lại của các khối thương mại toàn cầu biệt lập như trong quá khứ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lạc quan trước toàn cầu hóa. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, bày tỏ: “Mỹ đang tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Tôi kỳ vọng những hoạt động này vẫn được duy trì bởi nó mang lại lợi ích cho Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới”.
Bình luận