Tương lai con trẻ: Ai sắp đặt?

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 đang đến gần. Kỳ thi đã thực sự được “hâm nóng” bởi tâm trạng phấp phỏng, lo âu của học sinh trong việc không biết nên chọn trường nào, ngành gì để dự tuyển.  

Mùa thi cũng là thời điểm nhiều học sinh trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu trong việc chọn trường, chọn ngành. Ảnh: Minh Thịnh.
Mùa thi cũng là thời điểm nhiều học sinh trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu trong việc chọn trường, chọn ngành. Ảnh: Minh Thịnh.

Đã có không ít trường hợp “phó thác” tương lai của mình theo mong muốn của cha mẹ.

Đừng để con thích bơi lội, nhưng... phải theo điền kinh

Ông Bùi Khắc Duy, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp (TTKTTH-HN) tỉnh Điện Biên từng có đề tài nghiên cứu về hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS,SV) vùng cao Tây Bắc nói chung và ở tỉnh Điện Biên nói riêng.

Với nhiều năm nghiên cứu, bản thân ông khá thấu hiểu thực trạng định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của nhiều thế hệ HS trong những năm gần đây.

Theo ông Duy, việc lựa chọn nghề nghiệp đối với con trẻ, tư duy “bố mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó” đã ăn sâu, bám rễ. Ngay từ trong các trường phổ thông, nhà trường đã có kế hoạch tuyên truyền trong định hướng về việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, thế nhưng quyết định chủ yếu vẫn là từ phía cha mẹ của các em.

“Vấn đề này thực sự khó, bởi nó ăn sâu vào tư duy, tiềm thức của người dân rằng nghề nghiệp của con cơ bản là do bố mẹ lựa chọn. Các con có quyền lựa chọn nghề nghiệp mấy đâu?” - ông Duy nói.

Không chỉ là người thầy, ông Duy còn là một người cha nên luôn tôn trọng các quyết định của con mình, đồng thời tạo điều kiện cho con có thể phát huy tối đa năng lực, sở trường của bản thân. “Tôi cũng chỉ định hướng và động viên song vẫn phải tôn trọng các quyết định của con”, ông Duy tâm sự.

Nhiều người cho rằng, hiện tượng HS bị cha mẹ, người thân trong gia đình phản đối việc chọn nghề khá phổ biến. Người lớn can thiệp vào việc chọn nghề của các em do muốn con em mình chọn những nghề mà theo chủ quan của họ đó là lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực.

Bởi vậy, mới xuất hiện hiện tượng ở một số trường chuyên nghiệp, việc học sinh đi học như để “thoả lòng” cha mẹ chứ chưa coi việc học là trách nhiệm với chính bản thân mình.

Tương lai trong tay mỗi người

Những câu chuyện nêu trên thường xảy ra ở các gia đình mà cha mẹ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước hoặc ở khu vực trung tâm thành phố. Còn trên thực tế, đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì hoàn toàn trái ngược.

Sở dĩ nói vậy, bởi đối với nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến việc học tập ở bậc phổ thông của con em mình đã khó chứ nói gì đến tương lai lâu dài. Thế nên trong những năm gần đây, việc lựa chọn trường thi, nghề học, ngành học của HS ở các huyện vùng cao phụ thuộc chủ yếu vào định hướng của thầy cô giáo.

Thầy giáo Lê Trường Giang, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Mường Nhé (Điện Biên) tâm sự: “Chỉ một số trường hợp (bố mẹ làm cán bộ), mình làm cái gì thì định hướng cho con em theo nghề đó. Còn lại ảnh hưởng của bố mẹ không nhiều lắm.

Phải nói là họ chưa quan tâm nhiều đến giáo dục chứ đừng nói đến việc con đi học, học cái gì và làm cái gì. Vận động chủ yếu là do thầy cô định hướng nhiều hơn, có sự ảnh hưởng nhiều hơn”.

Ở các xã vùng cao của tỉnh Điện Biên, nhiều trường hợp bố mẹ các em không biết chữ. Họ quanh năm gắn bó với núi, với rừng, cũng chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Thế nên để định hướng cho con em mình quả thực rất khó.

Trong tư duy của nhiều gia đình chỉ biết nuôi con lớn lên là “dựng” vợ, gả chồng để duy trì nòi giống và để có thêm người làm nương, làm rẫy chứ cũng chẳng suy nghĩ xa xôi gì đến tương lai. Cha mẹ đã vậy, thế nhưng cũng không ít HS cũng chẳng có trách nhiệm với chính bản thân mình.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Chử Thị Hải - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên cho rằng: Tư duy “tỉnh lẻ” vẫn còn tồn tại.

“Nhiều bậc phụ huynh cho đến nay vẫn cho rằng, các con cứ phải vào ĐH để rồi sau này về làm ở các cơ quan Nhà nước. Còn đối với người tham gia học nghề thì lại ngại lao động, họ không coi đó là một nghề có thể cho công việc và thu nhập ổn định mà chỉ làm theo “mùa vụ” nên không thực sự muốn gắn bó, không chuyên tâm”.

Từ thực tế trên, trong hai năm trở lại đây, ngành GD-ĐT Điện Biên đã có nhiều nỗ lực trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho HS,SV nên có những chuyển biến tích cực.

Theo kết quả theo dõi của ông Bùi Khắc Duy, Giám đốc TTKTTH-HN Điện Biên, xu hướng giới trẻ ở Điện Biên đăng kí thi tuyển ĐH đã giảm dần, thay vào đó là tỷ lệ HS lựa chọn học nghề tăng lên.

Ông Duy cho rằng, đó là những tín hiệu đáng mừng và đã thể hiện được những nỗ lực của các cơ sở giáo dục.

Có ý kiến cho rằng, đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập, công cuộc CNH-HĐH cần một đội ngũ lớn nhân công có tay nghề, trình độ, bởi thế mỗi HS cần xác định cho mình con đường lập nghiệp phù hợp. Định hướng nghề nghiệp đúng có thể mở ra khả năng tìm được việc làm ổn định cho bản thân, có thể làm giàu cho chính mình, cho gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu định hướng sai sẽ dẫn đến tốn kém, lãng phí, gây nên tâm lí dao động, hoang mang, mất phương hướng, đặc biệc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.