“Bảo tàng ký ức Cầu Long Biên”
* Là một KTS quy hoạch đô thị, sống ở Pháp hơn 40 năm, vì sao bà lại tâm huyết với công việc gìn giữ và bảo tồn giá trị lịch sử cầu Long Biên?
Là KTS quy hoạch đô thị, được đào tạo và sống tại Paris từ hơn 40 năm nay nhưng tôi luôn đau đáu nhớ về Hà Nội với hình ảnh cây cầu vắt qua sông Hồng đã ghi bao dấu ấn, thăng trầm của đất nước. Bên Pháp, nhà tôi ở ngay cạnh Tháp Eiffel - biểu tượng đã đưa Paris hoa lệ đứng đầu thế giới để đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Trở về Hà Nội năm 1989, tôi thật sự cảm động trước những vết tích tàn phá của chiến tranh còn đọng trên cây cầu Long Biên.
Trở lại Pháp, tôi đã trăn trở, đặc biệt năm 2007, có quyết định tháo dỡ cầu Long Biên để thay vào một cây cầu mới. Hay tin này, cả Tổng thống Francois Mitterant và Jaques Chirac, sau chuyến sang thăm Việt Nam, đề xuất giúp Việt Nam 60 triệu euro cải tạo cầu Long Biên. Sau đó, tôi đã cùng thành phố Hà Nội tổ chức 2 kỳ Festival quốc tế trên cầu Long Biên năm 2009 và năm 2010 nhằm khơi dậy ký ức hào hùng và bất khuất của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài thế kỷ XX.
* Dự án cầu Long Biên sẽ tập trung vào những công việc gì, thưa bà?
Dự án này sẽ giữ nguyên 9 nhịp cầu nguyên thủy và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán ri-vê để triển lãm 2 “đầu tàu hơi nước anh hùng”; Cải tạo những toa xe tàu cũ thành các quán cafe và nhà hàng trưng bày lịch sử 100 năm ngành đường sắt gắn với cầu Long Biên. Tất cả được đặt trên nền kính trong để thấy được các mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũng như sông Hồng chảy bên dưới.
Đúc mới 10 nhịp cầu đã bị phá bởi chiến tranh để hoàn chỉnh cây cầu như thiết kế nguyên bản năm 1902, nâng lên 3 mét đoạn qua sông để tàu thuyền dễ dàng qua lại.
Phần cầu cạn trở thành vườn treo và 131 vòm gầm cầu sẽ là phố nghề nghệ thuật, giới thiệu các làng nghề truyền thống Việt Nam và thế giới. Trên cầu cạn thành khu vườn treo với tuyến đường đi bộ dạo chơi kéo dài đến hết phố Phùng Hưng, cho phép người đi bộ đi lại an toàn ở khu vực trung tâm phố cổ, thoát khỏi tình trạng tắc đường mà vẫn có một góc nhìn đặc biệt về thành phố.
Bãi giữa sông Hồng trở thành “Công viên trung tâm” và “Bảo tàng quốc gia Nông nghiệp Việt Nam”, bao gồm khu vực Bảo tàng quốc gia Nông nghiệp Việt Nam: Nông, lâm, ngư nghiệp; Khu công viên nghệ thuật với nhiều hoạt động phục vụ cho người dân Thủ đô cũng như du khách tham quan như: Các ki-ốt âm nhạc biểu diễn nghệ thuật, làng nghề, vui chơi ngoài trời… Đồng thời, công viên Bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành lá phổi xanh của Thủ đô - một trong số các công viên lớn nhất thế giới với diện tích 300 ha, so với Central Park của New York (Mỹ) có diện tích 340ha và Guaming Park, Thẩm Quyến (Trung Quốc) có diện tích 240ha. Dự tính công viên Bãi giữa sông Hồng có khả năng đón 10 triệu lượt khách mỗi năm, đóng góp hàng chục triệu USD cho ngân sách Nhà nước.
Tháp nước hàng Đậu sẽ thành Bảo tàng cổ vật. Mái tháp được nâng lên và lắp kính trong suốt để lấy ánh sáng vào nơi trưng bày những bộ sưu tập cổ vật cá nhân độc đáo để du khách tham quan.
Đầu cầu phía Gia Lâm sẽ thiết kế mới Tháp sen để làm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại. Bảo tàng Nghệ thuật đương đại giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại, kiến trúc, design, những công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế. Ngoài những triển lãm ngắn ngày và cố định tại đây, bảo tàng còn là không gian văn hóa cho du khách với thư viện, phòng hòa nhạc, nhà hàng, cà phê.
Ở tầng thứ 9 là một không gian có tầm nhìn ra toàn cảnh Hà Nội - sông Hồng, Gia Lâm với những kính viễn vọng có thể quan sát thiên văn.
Vì tinh thần hòa bình của một dân tộc bất khuất
* Trong quá trình thực hiện, bà gặp những khó khăn gì?
Công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng của nó. Việc gìn giữ và bảo tồn cầu Long Biên mà tôi theo đuổi gặp phải không ít trở ngại. Tôi đã có giấc mơ cứu được cầu Long Biên không bị tháo dỡ để bảo tồn và tôn tạo thành một cây cầu đi bộ. Tôi muốn nó trở thành một cây cầu bảo tàng dài nhất thế giới trưng bày các loại hình nghệ thuật, lịch sử… Thế nhưng, khi giấc mơ đó thành hiện thực, cái giá phải trả cho nó không hề nhỏ. Song, dù có phải bán tài sản, đánh đổi thời gian, công sức suốt 10 năm qua, tôi cũng chưa bao giờ hối tiếc. Bởi vì, đây là tâm huyết, công sức của tôi dành cho cây cầu vì tinh thần hòa bình của một dân tộc bất khuất, vì một tình yêu với Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.
* Tháng 11/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc sửa chữa, khôi phục cầu Long Biên, đó thật sự là một tín hiệu vui. Bà có ý kiến như thế nào về việc này?
Hà Nội đang trở rét, hoa đào và hải đường bắt đầu chớm nở. Tôi giật mình chợt nhận ra Tết đang đến, cái Tết thứ mười từ ngày tôi dấn thân vào dự án “Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên và khu vực liên quan thành phố Hà Nội” và cũng đã mười tháng qua tôi chưa về Pháp gặp lại con cháu… Lòng tôi giờ đây đang chùng xuống thì bỗng nhận được tin nhắn từ Đại sứ Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài: “Chị Nga thân mến. Tôi báo một tin vui cho chi, Thủ tướng vừa tiếp tôi. Về dự án cầu Long Biên Thủ tướng ủng hộ dự án Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên; giao Văn phòng Chính phủ cùng UBND thành phố Hà Nội bàn với chị và các cơ quan liên quan để triển khai sửa chữa ngay cầu Long Biên; Giao cho Đại sứ Việt Nam tại Pháp liên hệ với phía Pháp để họ hợp tác, hỗ trợ; Đề nghị KTS Nguyễn Nga tìm và vận động các nguồn vốn hỗ trợ cho dự án… Chúc mừng chị nhé!”.
Nhận được tin, lòng tôi rạo rực như mở hội. Cuối cùng thì bức thư và dự án của tôi cũng đến tay Thủ tướng. Tôi vui mừng báo tin cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ngay sau đó, ngày 14/12/2018, tôi đã tổ chức sự kiện “Tầm nhìn nào cho cầu Long Biên trong thế kỷ XXI?” nhằm công bố quyết định của Thủ tướng.
Thật bất ngờ là không chỉ có tôi xốn xang mà bè bạn quanh tôi đều choáng ngợp, sung sướng. Hơn trăm vị khách quý, các đại sứ, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, rất đông báo, đài và truyền hình đã đến, và cả các KTS quốc tế cũng bay về để có mặt và có những phát biểu vô cùng cảm động. Thế mới biết cầu Long Biên đã trở thành hình tượng (icône) và máu thịt của mọi người. Sự kiên trì bảo vệ dự án của tôi đã phần nào được bù đắp.
* Tới đây, bà tiếp tục triển khai dự án này như thế nào?
Theo chuyên gia của tập đoàn hàng đầu thế giới về cầu thép Eiffage, việc cải tạo cầu Long Biên sẽ cần 3 năm. Chúng tôi cần thêm 2 năm nữa để hoàn thiện thành các phòng trưng bày và bảo tàng, dùng năng lượng xanh, tạo ra một quần thể với 15.000m2 để khai thác các dịch vụ du lịch trên cầu Long Biên và khu vực liên quan.
Nếu Dự án tiền khả thi theo phương thức công – tư (PPP) được duyệt sớm và Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi thì tiến độ thực hiện trong 5 năm là không khó.
Chúng tôi cũng mong được Chính phủ Pháp giúp phần thiết kế, giám sát thi công và đúc tại Pháp các dầm thép chịu lực và những nhịp cầu đã mất để có được chất lượng đồng bộ và bền vững. Chúng tôi cũng tính thêm phương án mở bán cổ phiếu để toàn dân có thể tham gia.
* Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!