Nhiều năm nay, những người đi tìm hồn của đất ở làng gốm 500 năm tuổi không chỉ nhào nặn ra các mặt hàng chum, vại, bình rượu, bình trà…, mà họ còn làm thêm sản phẩm tò he với hình thù 12 con giáp.
Đặc biệt, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các nghệ nhân gốm với đôi bàn tay tài hoa lại nặn ra hình thù con vật mang biểu tượng cho năm mới.
Và năm nay, heo gốm trở thành biểu tượng của sự phồn thịnh, sinh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào.
Hình tượng con heo béo ú, bụ bẫm năm nay được các nghệ nhân dày công nhào nặn, bởi người trong làng luôn quan niệm con heo là chủ lực kinh tế gia đình: “Lợn bột thì ăn thịt ngon/ Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời”.
Bà Hoàng Thị Năm (thợ làm gốm làng Thanh Hà) chia sẻ: “Nhà tôi thường làm tò he gốm bỏ sỉ. Cứ mỗi ngày làm 100 con tò he các loại, hết 40 con là hình con heo. Đa số du khách thích hình tượng này. Nhiều người mua số lượng lớn để làm quà, bởi nó nhỏ nhắn và khi thổi phát ra âm thanh vui tai”.
Theo các nghệ nhân làng gốm, một thớ đất nhỏ cũng có thể nhào nặn thành hình con heo đáng yêu. Heo đất sau khi làm nguội sẽ được đưa vào lò nung rực lửa.
(Ảnh: Thanh Ba)
Người dân đón Tết du xuân khi ngang qua phố cổ mua lộc đầu năm, chẳng ai quên ghé lại sắm cho mình chú heo đất cầu phúc trong năm mới Kỷ Hợi 2019.