Tương lai bất định

GD&TĐ - Sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Afghanistan thân phương Tây khiến thế giới choáng váng và được coi là thất bại ê chề cho các cơ quan tình báo cũng như phân tích của Mỹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 15/8, lực lượng Taliban kéo vào tòa nhà quyền lực nhất Afghanistan và đặt súng lên bàn làm việc của vị Tổng thống đã tháo chạy Ashraf Ghani, đánh dấu việc tái chiếm thủ đô Kabul sau đúng 20 năm bị Mỹ và liên quân lật đổ.

Giới chức Washington dự đoán chính quyền Afghanistan do họ dựng lên và hậu thuẫn sẽ cầm cự được ít nhất 18 tháng sau khi Mỹ triệt thoái quân đội khỏi nước này. Nhưng trên thực tế chỉ sau vài tuần thì lần lượt các thành phố lớn nhất và cuối cùng là thủ đô Kabul đã thất thủ một cách quá dễ dàng trước lực lượng Taliban.

Sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Afghanistan thân phương Tây khiến thế giới choáng váng và được coi là thất bại ê chề cho các cơ quan tình báo cũng như phân tích của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích thì đây không phải là chiến thắng có được chỉ trong thời gian ngắn của Taliban, mà là kết quả của một quá trình tổ chức lực lượng âm thầm liên tục trong suốt hai thập kỷ.

Sau khi bị lật đổ năm 2001, lực lượng Taliban đã dạt về hoạt động ngầm tại các vùng nông thôn và miền núi hẻo lánh. Theo ông Robert Crews, chuyên gia về Afghanistan của Đại học Stanford (Mỹ), kể từ đó, Taliban đã âm thầm len lỏi qua các làng mạc và bộ tộc để chuẩn bị lực lượng cho ngày trỗi dậy tái chiếm chính quyền.

Chính sự đồn trú kéo dài của quân đội Mỹ trên đất Afghanistan cũng là cái cớ để Taliban dựng cờ tuyển mộ chiến binh “chống ngoại bang chiếm đóng”. Trong khi đó, chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên lại tỏ ra quá yếu ớt và chia rẽ, chỉ sống dựa vào viện trợ trong khi nạn tham nhũng lan tràn càng giúp Taliban lớn mạnh dần theo thời gian.

Đặc biệt, lực lượng Taliban cũng có nguồn thu và sự hỗ trợ từ nước ngoài không kém chính quyền Afghanistan thân Mỹ. Dòng tài chính quan trọng của họ đến từ hoạt động buôn bán thuốc phiện, buôn lậu và nguồn tiền khổng lồ từ các thế lực nước ngoài ủng hộ tư tưởng Hồi giáo cực đoan của Taliban. Đây được coi như khoản đầu tư sớm vì họ sẽ được hưởng lợi khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

Theo các chuyên gia của viện nghiên cứu chính sách Newlines Institute (Mỹ), nguồn tài chính nói trên là quá đủ cho Taliban duy trì hoạt động và tổ chức hiệu quả hơn cả quân đội của chính quyền thân Mỹ. Chi phí lớn nhất của Taliban chỉ là tiền lương, mua vũ khí và huấn luyện chiến binh chứ không bị thâm hụt do nạn tham nhũng như chính quyền vừa bị lật đổ.

Ngoài ra, số vũ khí bị quân chính phủ bỏ lại khi tháo chạy khỏi các thành phố những tuần qua trở thành chiến lợi phẩm quan trọng bậc nhất của Taliban. Hầu hết trong số này lại chính là các vũ khí hiện đại do Mỹ viện trợ và trang bị. Sai lầm của Mỹ trong tham vọng xây dựng một quân đội Afghanistan hiện đại chống phiến quân cuối cùng lại giúp Taliban có được “kho báu” về khí tài.

Lực lượng chiến binh do Mohammad Omar sáng lập năm 1994 này trước đây chỉ mất 2 năm để chiếm được Kabul lần thứ nhất và biến Afghanistan thành một nhà nước Hồi giáo cực đoan, với trường học bị đóng cửa và phụ nữ bị tước bỏ mọi quyền lợi.

Sau 5 năm cầm quyền, Taliban bị Mỹ lật đổ năm 2001 do chứa chấp và hỗ trợ tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Osama bin Laden.

Sau 20 năm, Taliban vừa tái chiếm Kabul và đồng nghĩa với việc hệ thống chính quyền và tổ chức xã hội theo xu hướng thân phương Tây hình thành tại Afghanistan trong hai thập kỷ qua sẽ sụp đổ.

Lực lượng Taliban hiện nay có thể đã thay đổi nhưng chắc chắn họ không xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng được coi là cực đoan của mình. Sự kiện ngày 15/8/2021 như một cột mốc đánh dấu lịch sử bất ổn tại Afghanistan lặp lại vòng quay mới và mở ra một tương lai khó đoán định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ