Tuổi dậy thì chông chênh – cần điểm tựa thầy cô và gia đình

GD&TĐ - Vụ việc học sinh lớp 6 ở thành phố Hồ Chí Minh có ý định tự tử ngay ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết khiến dư luận hoang mang, cha mẹ bàng hoàng và thầy cô như ngồi trên đống lửa.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Nhiều vụ việc học sinh tự tử hoặc có ý định tự tử

Ngày 2/3/2021, bảo vệ Trường THCS Minh Đức, TP.HCM cùng một số người dân cứu được nữ sinh lớp 6 lơ lửng ở ngoài ban công. Em nữ sinh được cứu trong vụ việc không phải do tai nạn mà là chủ ý của em, muốn nhảy lầu tự tử. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do nữ sinh này buồn chuyện gia đình. 

Nhiều vụ việc đau lòng tương tự cũng đã xảy ra, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tự tử của học sinh lứa tuổi dậy thì, cần sự quan tâm đúng mức và hiệu quả hơn từ phía các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo.

Mới đây, sáng 3/1/2021, vụ việc một học sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) treo cổ tự tử trong lớp. Ngày 27/1/2021, tại một trường THCS ở Tân Bình, TPHCM, một học sinh lớp 9 cũng nhảy từ lầu 3 xuống. Nữ sinh được chuẩn đoán bị gãy chấn thương, gãy chân. Từ đầu năm học, nữ sinh này đã có những biểu hiện của trầm cảm. 

Trước đó, tháng 11/2020, tại một trường khác ở Phú Nhuận, nam sinh lớp 8 trèo qua lan can và rơi từ tầng 3 xuống sân trường. Em bị thương nặng với nhiều thương tích như gãy xương ống quyển, vỡ xương mắt cá, có hiện tượng tổn thương nội tạng. Em học sinh có nhiều biểu hiện tâm lý phức tạp, em học sinh này từng tự rạch tay, từng vài lần có ý định nhảy lầu. 

Học sinh tự tử không còn là chuyện hiếm, chuyện cá biệt. Có những em học sinh vẫn đi học bình thường nhưng một lúc sau đã nghe thông tin từ gia đình hay nhà trường là em tự tử. Thời gian quan nhiều vụ tự tử của học sinh lứa tuổi dậy thì đã xảy ra lại gióng kên hồi chuông cảnh báo, dư luận hoang mang, cha mẹ bàng hoàng, thầy cô như ngồi trên đống lửa.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Cũng theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên Việt Nam cũng ở mức cảnh báo. 

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Thầy cô bắt sóng, gỡ rối cho trò

Nhiều giáo viên chia sẻ điều họ sợ nhất là học sinh có những hành động dại dột. Nhất là khi họ biết hoặc nhìn thấy học sinh của mình có vấn đề, chưa kịp hỗ trợ đã xảy ra chuyện. 

Cô Hán Huyền, giáo viên dạy Văn - Trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, là một giáo viên nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm nên thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều học sinh lứa tuổi này. Trong gần 25 năm công tác, may mắn cô chưa gặp vụ việc nào tương tự nhưng học sinh THCS là lứa tuổi rất bất ổn tâm lý và hay có những hành vi nổi loại nên cũng rất lo lắng. 

Ở tuổi này, các con đang trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý nên trên lớp cô rất để ý và chịu khó lắng nghe các con nói. Ngoài giờ lên lớp, cô cố gắng trao đổi thêm với phụ huynh để hiểu các con hơn và kết hợp giáo dục định hướng đúng. Thỉnh thoảng, cô Huyền sẽ dành một buổi nói chuyện riêng với từng nhóm trong lớp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh.

“Có những học sinh sẵn sàng tâm sự với cô nhưng cũng có nhiều con chưa thật sự mở lòng. Lớp học có 55 học sinh với 55 tính cách khác nhau, chỉ lo mình không nắm bắt kịp, học sinh có hành động dại dột”, cô Hán Huyền chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Cúc, giáo viên dạy tiếng Anh - Trường THCS Tân Lập (Hưng Yên) hơn 20 năm trong nghề dạy học và tham gia nhiều khoá học về tâm lý học sinh nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Mặc dù là “trường làng” nhưng thời đại 4.0 thông tin trên mạng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động cũng như tâm lý của các em.

Cô Cúc cho biết, học sinh ở tuổi dậy thì thường nhạy cảm và có suy nghĩ quan trọng hoá vấn đề. Chỉ cần bị thầy cô phê bình, bị bố mẹ trách mắng hay bị bạn bè trêu chọc là cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương dẫn đến tủi thân và hoảng loạn tinh thần. Khi học sinh không tìm đến thầy cô hay bố mẹ để chia sẻ, giải toả thì sẽ nghĩ quẩn và tìm đến tự tử, hành vi này thường diễn ra bộc phát và rất nhanh.

Theo TS.BS Nguyễn Tuyết Minh khuynh hướng rõ ràng nhất là tình trạng trầm cảm ở lứa tuổi dậy thì. Các em giảm các mối tương tác với gia đình, tự cô lập bản thân, không quan tâm đến các hoạt động mà trước đây rất yêu thích. Ngoài ra, các em còn có biểu hiện buồn chán, ôm đầu, khóc bất thường, không để ý đến hình dáng, không ăn ngủ, hay im lặng và ngồi thẫn thờ. 

Cách để nhận biết học sinh đang khủng hoảng tâm lý mà giáo viên cũng như gia đình nên để ý là các em thường dùng những từ ngữ thể hiện sự tuyệt vọng, các từ liên quan đến chết chóc như bế tắc, chịu không nổi, giải thoát, muốn chết và viết thư tuyệt mệnh…

“Vì vậy, phòng tư vấn tâm lý ở các trường học với các chuyên gia tâm lý học đường vô cùng quan trọng. Nếu học sinh có chuyện gì có thể nhờ tư vấn hay những trường hợp nào vượt quá sức của giáo viên thì sẽ nhờ chuyên gia tâm lý học đường can thiệp kịp thời. Đồng thời, các thầy cô quan sát thấy tình trạng “có vấn đề” của học sinh cần phối hợp kịp thời với gia đình để gỡ nút thắt tâm lý, giúp học sinh sớm vượt qua khủng hoảng”, TS.BS Nguyễn Tuyết Minh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.