Thiếu giáo viên ở các cấp học
Bước vào học kỳ II của năm học 2022-2023 nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra tại nhiều địa phương và các cấp học. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, số lượng học sinh không ngừng tăng, đến nay toàn tỉnh thiếu gần 5.000 giáo viên. Để khắc phục tình trạng trên, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm số lượng giáo viên theo định mức, duy trì chất lượng giáo dục.
Đối với bậc học mầm non, những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là ở ven các khu, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố. Số lượng trẻ tăng đồng nghĩa phải gia tăng lớp học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên mầm non một ngày làm việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Công việc hằng ngày vừa dạy, vừa chăm sóc trẻ, dù rất cố gắng nhưng do lớp đông nên khó có thể quan tâm tường tận đến từng trẻ.
Cô giáo Đặng Thị Chuyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học 2022 – 2023, trường có tổng số 260 học sinh với 8 lớp. Hiện nay, toàn trường có số cán bộ, giáo viên là 32 người, trong đó giáo viên biên chế là 21 người, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, an toàn cho trẻ nhà trường phải hợp đồng định mức với 11 người, bao gồm 5 giáo viên và 6 cô nuôi.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Năm học 2022-2023, toàn huyện có tổng 69 trường từ mầm non đến THCS, huyện Định Hóa được giao 1.517 biên chế giáo viên, nhân viên trong khi nhu cầu thực tế thiếu 1798 ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến trung học cơ sở. Thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện đã ký hợp đồng lao động định mức với 321 giáo viên, nhân viên nấu ăn để bảo đảm định mức theo quy định.
Năm 2023, UBND huyện Định Hóa tuyển dụng bổ sung 76 chỉ tiêu, phòng GD&ĐT huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu, ưu tiên những môn học thiếu giáo viên như giáo viên tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từng bước gỡ “nút thắt”
Còn đối với huyện Đại từ, năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục huyện Đại Từ được giao 2.433 biên chế, đến thời điểm ngày 01/01/2023 toàn huyện hiện có là 2.144 biên chế còn thiếu so với biên chế được giao là 289, trong đó, cấp mầm non là 112 cán bộ, giáo viên, cấp tiểu học là 111 cán bộ, giáo viên, cấp THCS 66 cán bộ, giáo viên.
Năm 2023 huyện Đại Từ tuyển dụng 217 biên chế giáo viên. |
Số biên chế cần tinh giản đến năm 2026 là 130 biên chế gồm 46 biên chế cấp mầm non, 45 biên chế cấp tiểu học và 39 biên chế cấp THCS. Số biên chế dự kiến để lại thực hiện tinh giản là 72 biên chế. Số chỉ tiêu tuyển dụng năm 2023 là 217 biên chế, trong đó giáo viên mầm non 88 chỉ tiêu, tiểu học 82 chỉ tiêu, THCS 45 chỉ tiêu và kế toán cấp tiểu học 2 chỉ tiêu. Đây là cơ hội để nhiều giáo viên dạy hợp đồng thuê khoán trong và ngoài huyện nộp hồ sơ dự tuyển.
Như vậy, theo quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị giao bổ sung cả nước tuyển dụng thêm 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng tỉnh Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023. Thực hiện số biên chế giáo dục được giao, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên hoàn thành trong tháng 3 tới.
Tính đến hết học kỳ I, năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 25.073 người. Thái Nguyên tiếp tục thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế trong năm học. Tổng số biên chế được giao của toàn tỉnh là 18.306 và tổng số biên chế đang thực hiện 17.597. Tổng số biên chế giáo viên thiếu so với định mức quy định của toàn Ngành là 4.894 giáo viên.
Số viên chức ngành giáo dục tuyển dụng lần này so với số biên chế giáo viên còn thiếu theo định mức vẫn còn khoảng cách khá lớn, tuy nhiên việc tuyển dụng viên chức giáo dục đã góp phần từng bước gỡ nút thắt thiếu giáo viên tại các cơ sở, qua đó giúp ngành giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.