Đền Cả được xây dựng từ thế kỉ 16 để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị phúc thần, nhân thần cùng các vị tướng lĩnh, đại khoa có công bảo quốc hộ dân. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị về lịch sử và văn hóa gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng.
Trong phong trào Văn thân Cần vương chống Pháp, đền Cả cùng với chùa Bảo Lâm là nơi ẩn náu của nghĩa quân cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã. Trong thời kỳ Cách mạng 1930-1945 là nơi hội họp, hoạt động bí mật của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng lực lượng, tổ chức đấu tranh chống bọn thực dân phong kiến, giành độc lập cho dân tộc.
Trải qua những biến thiên dâu bể, nhiều đền chùa bị tàn phá nhưng đến nay Đền Cả vẫn hầu như nguyên vẹn với những kiểu kiến trúc độc đáo. Năm 2012, Đền Cả được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đây là một trong những di sản quý hiếm của tỉnh Nghệ An. Lễ hội Đền Cả được tổ chức 3 năm một lần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện tham gia.
Lễ hội năm nay với nhiều hoạt động như: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội được tổ chức hoành tráng, đa dạng với nhiều hoạt động vui chơi mang đặc trưng văn hoá dân gian như: Thi đánh trống tế, đánh cờ người, Thi bắt lươn, thi kéo co, đẩy gậy, múa lân,đánh bóng chuyền, hát dân ca…
Lễ hội đã trở thành nét văn hóa, phong tục tốt đẹp từ ngàn đời nay của người dân Hoa Thành nói riêng và xứ Nghệ nói chung.