Đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 thu hút hành nghìn người dân và du khách.
Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc với sự trình diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã khắc họa, vẽ nên bức tranh về đời sống văn hóa và tinh thần của con người Tây Nguyên, truyền tải một phần nào đặc tính quý vốn có của cây cà phê, cũng như nét đẹp tinh thần, cốt cách của người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, thể hiện tình yêu, khát vọng, niềm tin hy vọng của những người dân Tây Nguyên trong sự nghiệp phát triển của ngành cà phê.
Hoa hậu H’Hen Niê - Đại sứ truyền thông của Lễ hội xuất hiện với bộ trang phục truyền thống trên chiếc xe máy cày – phương tiện gần gũi với bà con nông dân Tây Nguyên. |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2018 lên gần 1,9 triệu tấn với doanh thu hơn 3,5 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm nay có nhiều điểm mới, không những tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà còn hướng tới phát triển cà phê đặc sản Việt Nam và khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới; góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế của cà phê trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Lễ hội cũng gắn mục tiêu giao lưu văn hóa với xúc tiến thương maị, thu hút đàu tư là phù hợp với chủ trương của chính phủ.
Để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và ngành cà phê nói riêng, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đắk Lắk cùng với các tỉnh có trồng cà phê rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và bảo đảm các điều kiện kiện sản xuất bền vững.
Nhiều tiết mục văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc người dân Tây Nguyên. |
Ngoài ra, đẩy mạnh cơ cấu lại cho ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê… Cần tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng, để vươn tới khát vọng trở thành "điểm đến của cà phê thế giới", Đắk Lắk phải chú trọng nâng cao thực lực, làm tốt công tác truyền thông; mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng thị trường kết nối với bạn bè trên thế giới để phát triển kinh tế xã hội gắn với thu hút ngày càng nhiều hơn nữa những người yêu cà phê, những chuyên gia, các nhà sản xuất và chế biến cà phê đến với vùng đất "Tinh hoa đại ngàn" này; để Đắk Lắk thực sự trở thành thế giới cà phê đầy hương vị.