Bệnh nhân Th. cho biết, chị bị sỏi túi mật mấy năm nay nhưng chỉ đau âm ỉ nên bệnh nhân không chịu nhập viện phẫu thuật, rất nhiều lần sỏi túi mật gây đau nhưng bệnh nhân cứ nghĩ đau bao tử nên tự đi mua thuốc uống. Ngày 18/8/2018 bệnh nhân được đưa đến bệnh việnn trong tình trạng đau hạ sườn phải dữ dội, sốt cao lạnh run, vàng da vàng mắt.
Qua khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm bụng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ kèm nhiều sỏi túi mật. Sau 3 ngày điều trị truyền dịch, kháng sinh, giảm đau, tình trạng nhiễm trùng tạm ổn.
Ngày 21/8/2018 bệnh nhân được lấy sỏi ống mật chủ bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng. Sỏi ống mật chủ của bệnh nhân là sỏi hình đa giác, màu trắng, dạng sỏi cholesterol từ túi mật di chuyển xuống.
Sau khi làm nội soi mật tụy ngược dòng, bệnh nhân được chụp MSCT bụng kiểm tra phát hiện sỏi túi mật gây biến chứng viêm túi mật cấp nên chỉ định mổ cắt túi bằng phẫu thuật nội soi. Trong mổ thấy túi mật viêm hoại tử, thành dày 10mm được mạc nối bao bọc lại, sau khi lấy túi mật ra ngoài thấy trong lòng túi mật chứa 241 viên sỏi từ 3 - 8mm.
Bác sĩ La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: Đây là một trường hợp sỏi túi mật để lâu ngày gây biến chứng nặng. Trước đây những trường hợp tương tự thường phải mổ mở hậu phẫu rất nặng nề, nhiều biến chứng và thời gian hồi phục lâu. Nhưng nay bệnh nhân được phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi thì cuộc mổ sẽ ít đau hơn, tỉ lệ biến chứng sau mổ thấp và hồi phục nhanh.
Bác sĩ Phú cũng cho biết: Sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nước ta sỏi cholesterol đang có xu hướng gia tăng do liên quan đến bệnh lý chuyển hóa. Nếu được chẩn đoán và điều trị khi chưa có biến chứng thường cho kết quả tốt. Ngược lại, nếu bệnh khi đau tự mua thuốc uống mà không đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị có thể dẫn đến biến chứng nặng như viêm túi mật cấp hoại tử, sỏi di chuyển xuống ống mật chủ,… điều trị sẽ phức tạp, tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp của bệnh nhân Th. là một ví dụ.