Tục thượng nêu ngày Tết ở Gio An

GD&TĐ - Từ ngày 23 đến 25 tháng Chạp, nhiều làng ở xã Gio An tổ chức lễ dựng nêu (thượng nêu).

Lễ thượng nêu là nét độc đáo văn hóa ngày Tết của người dân vùng Gio An, huyện Gio Linh.
Lễ thượng nêu là nét độc đáo văn hóa ngày Tết của người dân vùng Gio An, huyện Gio Linh.

Miền đất Gio An (Gio Linh, Quảng Trị) không những nổi tiếng với hệ thống giếng cổ Chăm “có một không hai” tồn tại hàng nghìn năm, mà còn có nhiều phong tục, lễ hội đặc sắc. Tục thượng nêu và hạ nêu ngày Tết cũng được xem là “điểm nhấn” văn hóa và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Mạch nguồn chảy mãi

Từ ngày 23 đến 25 tháng Chạp, nhiều làng ở xã Gio An tổ chức lễ dựng nêu (thượng nêu). Việc thượng nêu như mạch nguồn chảy mãi để góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng. Làng An Nha, xã Gio An là địa phương lưu giữ và phát huy tốt giá trị văn hóa ngày Tết thông qua việc thượng nêu.

Miền đất Gio An, huyện Gio Linh được du khách biết đếnnvới hệ thống giếng cổ do người Chăm xây dựng cách đây khoảng 5.000 năm và được giữ gìn đến ngày nay.

Hệ thống giếng cổ Gio An hiện có 14 giếng, gồm: Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào (thôn An Nha); Gái 1, Gái 2, Nậy (thôn An Hướng); Tép, Ông, Bà, Gai (thôn Hảo Sơn); Máng (thôn Long Sơn) và Pheo (thôn Tân Văn).

Vào sáng sớm, các bô lão, người dân làng An Nha tề tựu về đình làng để làm lễ thượng nêu. Những bậc cao niên áo dài, khăn đóng, thanh niên trong trang phục áo quần chỉnh tề tham gia lễ.

Hơn 10 năm đảm nhận chức Hội chủ làng, ông Nguyễn Cẩm (75 tuổi, làng An Nha, xã Gio An) cho biết, trong số các phong tục, tập tục văn hóa Việt Nam, lễ thượng nêu đã có từ rất lâu. Đối với làng An Nha, lễ thượng nêu cũng có nguồn gốc khoảng 500 năm.

Trong giai đoạn chiến tranh, phong tục này không được duy trì. Nhưng khi hòa bình, nghi thức này được tiếp nối cho đến nay. Đặc biệt, những năm gần đây, lễ thượng nêu ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản hơn, trở thành nét độc đáo văn hóa ngày Tết của bà con nơi đây.

Theo ông Nguyễn Cẩm, lễ thượng nêu được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng. Trước khi thượng nêu là nghi thức rước nêu từ chùa Long Phước đến đình làng An Nha. Đây là ngôi chùa cổ của làng, một trong những dấu tích gắn liền và khắc ghi công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị trong hành trình mở cõi về phía Nam.

Tại điểm thượng nêu ở đình làng An Nha, dân làng lập bàn cúng với đầy đủ lễ vật. Cây nêu được làm bằng tre, có chiều cao từ 4-5m, hoặc cao hơn. Trên thân nêu buộc cây dứa có ý nghĩa trừ tà khí. Trên ngọn gắn chiếc giỏ đựng cau trầu, treo cờ Tổ quốc hoặc cờ hội, có tấm vải đỏ viết chữ thư pháp với ý nghĩa cầu bình an.

“Lễ thượng nêu là nét đẹp ngày Tết để tưởng nhớ công lao của các bậc khai khẩn của làng. Nghi lễ dựng nêu cũng báo cáo, tạ ơn đối với các bậc tiền nhân về kết quả đạt được trong năm qua. Đồng thời, cầu cho mưa thuận gió hòa đến trong năm tới, cầu quốc thái dân an”, ông Cẩm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng thôn An Nha cho biết, vào ngày lễ thượng nêu, cùng với sự có mặt của đầy đủ các bậc cao niên, chức sắc trong làng thì con cháu đi làm ăn xa quê cũng tập trung về quê tham dự lễ, thắt chặt thêm tình cảm.

Ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho lễ dựng nêu tại đình làng, 2 nghi thức không thể thiếu là lễ rước nêu và lễ cúng cầu quốc thái dân an, tạ ơn các bậc tiền nhân. Trong lễ thượng nêu, các bô lão sẽ đánh chiêng, trống, thổi kèn. Sau đó, vị hội chủ làng sẽ thực hiện nghi thức cúng để dựng cây nêu.

tuc-thuong-neu-ngay-tet-o-gio-an-3.jpg
Hội chủ làng An Nha thực hiện lễ cúng các bậc khai khẩn và nghi thức thượng nêu. Ảnh: Phước Hiếu.
tuc-thuong-neu-ngay-tet-o-gio-an-2.jpg
Hội chủ làng An Nha thực hiện lễ cúng các bậc khai khẩn và nghi thức thượng nêu. Ảnh: Phước Hiếu.

Phát huy giá trị văn hóa

Ngoài làng An Nha, trong những ngày cuối năm, nhiều làng khác ở xã Gio An đều có phong tục dựng cây nêu như Gia Bình, Long Sơn, Hảo Sơn, An Hướng. Nghi lễ dựng nêu tổ chức đầy đủ các bước nhưng ngắn gọn. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng, tất cả các làng cùng làm lễ hạ nêu.

Theo ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, lễ thượng nêu và hạ nêu (lễ khai hạ) có nguồn gốc từ thời nhà Nguyễn. Đây là nét văn hóa độc đáo được một số làng lưu giữ. Nhưng ở làng An Nha, lễ thượng nêu và hạ nêu được tổ chức quy mô hơn.

tuc-thuong-neu-ngay-tet-o-gio-an-5.jpg
tuc-thuong-neu-ngay-tet-o-gio-an-6.jpg
tuc-thuong-neu-ngay-tet-o-gio-an-7.jpg
Hệ thống giếng cổ là những công trình độc đáo thu hút du khách đến với vùng đất Gio An. Ảnh: Đ. Đức.

Cùng với nghi lễ này, xã Gio An cũng tổ chức lễ hội văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, trò chơi dân gian như kéo co, thi cắt rau... để người dân vui chơi ngày cuối, sau đó bắt tay vào lao động sản xuất trong năm mới. Trong lễ hạ nêu cũng có ý nghĩa cầu quốc thái dân an, khởi đầu năm mới mong mùa màng bội thu, công việc phát triển.

Để phát huy và khai thác giá trị hiếm có của hệ thống giếng cổ Gio An, tỉnh Quảng Trị đã lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích để phát triển du lịch. Ngày nay, hệ thống giếng cổ Gio An nằm trong chuỗi du lịch của huyện Gio Linh, với tour du lịch tham quan Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn - giếng cổ Gio An - biển Cửa Việt - tượng đài Giao bưu, thông tin liên lạc Dốc Miếu - Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Đây là tuyến du lịch mũi nhọn, được kỳ vọng đưa huyện Gio Linh trở thành một điểm đến về du lịch đầy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng Quảng Trị trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ