Từ vụ ngộ độc pa tê chay: Cảnh báo hiểm họa "hút chân không" thực phẩm sai cách

GD&TĐ - Bác sĩ cảnh báo, đối với thực phẩm đóng trong đồ hộp, khi sử dụng người dân cần kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng...

Truy nguồn gốc gây ngộ độc

Ngày 27/3, Sở Y tế Bình Dương cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này đã có báo cáo kết quả điều tra bước đầu vụ việc một người dân tại Bình Dương tử vong và 5 người khác đang nguy kịch nghi do ngộ độc bởi pate chay.

Người bị tử vong là bà Cao Ngọc Mỹ (42 tuổi, HKTT tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), với nguyên nhân bị viêm não, viêm tủy và viêm thân não.

Theo báo cáo, ngày 20/3 bà Cao Ngọc Mỹ và Cao Ngọc Hà đi chợ mua nguyên liệu để nấu bún riêu (trong đó có chả chay và pate chay) cho khoảng từ 25 đến 30 phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) ăn trưa. Sau bữa trưa, bà Mỹ có biểu hiện cứng lưỡi, khó nuốt và nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Ngoài bà Mỹ, một số người khác cũng có biểu hiện tương tự và cũng được chuyển đi bệnh viện cấp cứu.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định bà Mỹ và bà Hà là những người trực tiếp đi mua nguyên liệu để nấu bún riêu. Bà Mỹ đã tử vong còn bà Hà đang cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch nên chưa xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và mua ở đâu.

Hiện tại, có 5 người cùng ăn trưa với bà Mỹ đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 và BV Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch.

Sau khi xảy ra vụ việc, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đang khẩn trương xác minh, thu thập thông tin và xử lý theo quy định. Trong khi chờ xác định chính xác thông tin, Sở Y tế yêu cầu người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến patê chay và chờ thông tin và thông báo mới nhất từ Ban An toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng những ai đã cùng ăn patê chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Cảnh báo hiểm họa từ "hút chân không" thực phẩm sai cách

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cho biết trên báo SKĐS, thời gian gần đây lại nổi lên ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến, tiệc trong làng, chế biến cho gia đình sử dụng.

Các vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương (đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh); vụ ở Kon Tum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của botulinum.

Vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum.

Hậu quả của ngộ độc botulinum thường rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Nguy cơ này không chỉ hiện hữu tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo trên thế giới về trào lưu sử dụng túi "hút chân không" các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn yếm khí nguy hiểm như trong vụ pate chay.

Vì thế chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài. Vì những thực phẩm được đóng gói kín không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng sẽ có nguy cơ sinh ra vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.

Tốt nhất người dân nên sử dụng đồ ăn tươi mới, sau khi chế biến xong sử dụng trong 2 tiếng đồng hồ, nếu không ăn hết bảo quản trong tủ lạnh trong thời gian quy định để bảo đảm thực phẩm an toàn.

Bác sĩ cảnh báo, đối với thực phẩm đóng trong đồ hộp, khi sử dụng người dân cần kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng.

Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã hết hạn, kiểm tra kỹ xem hộp có phồng, bẹp, móp không, mở ra mùi vị màu sắc có thay đổi không thì mới được dùng.

Bà Trần Việt Nga cũng lưu ý, khi có bất cứ triệu chứng gì liên quan đến sử dụng thực phẩm như nôn, đau bụng, đặc biệt là triệu chứng thần kinh liệt, sụp mi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khan tiếng, khô miệng… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.