Theo ý kiến của một luật sư, chủ quán Phở Hòa không chỉ có quyền đòi bồi thường thiệt hại cho bàn ghế, nhà cửa bị hư hại, chi phí sơn sửa lại mà còn được đòi bồi thường về lợi nhuận có được nếu không bị hành vi tạt chất bẩn vào quán.
Thủ đoạn nhắm vào người thân
Rõ ràng, ông chủ quán Phở Hòa không liên quan gì đến những nợ nần ân oán để dẫn đến bị khủng bố. Ông bị vạ là vì ông Tuấn - em rể ông thiếu nợ, mất khả năng chi trả…
Chiều 5/8, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM đã bắt nhóm người “khủng bố” quán Phở Hòa bằng mắm tôm và sơn. Thông tin từ Phòng CSHS cho biết, nhóm này gồm: Phạm Phong Phú (là người cầm đầu, 47 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Khương Đình Đồng (28 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa), Phạm Thành Đô (41 tuổi, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Xuân Tùng (28 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) và Lê Văn Công (27 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa).
Tại cơ quan công an, Phú khai có quan hệ bạn bè với Tuấn. Cả hai cùng kinh doanh điện thoại di động, xe ô tô và bất động sản. Thời gian làm ăn chung với nhau, Tuấn bị lỗ nên Phú đứng ra trả nợ giúp Tuấn.
Đầu tháng 7/2019, Tuấn mất khả năng chi trả nên tìm cách tránh mặt Phú. Bực tức, Phú lên kế hoạch để đòi nợ Tuấn. Phú cho nhóm đàn em là Đô, Tùng, Công mua chất bẩn là sơn, mắm tôm… ném vào nhà Tuấn để uy hiếp nhưng thời gian này Tuấn đã bỏ đi khỏi nhà.
Phú cho nhóm đàn em dùng chất bẩn là sơn, mắm tôm… tiếp tục “khủng bố” vào quán Phở Hoà nằm ở đường Pasteur, quận 3. Nhóm gặp mặt chủ quán yêu cầu phải trả nợ thay cho Tuấn (là em rể chủ quán Phở Hòa) nếu không sẽ “khủng bố” quán này cho khỏi kinh doanh.
Ngày 25 và 26/7, Phú cùng đồng bọn “khủng bố” sơn, mắm tôm… vào quán Phở Hòa. Trong quá trình điều tra, công an xác định Công là người trực tiếp đi mua sơn, mắm tôm… Tùng cùng Đô trộn các hỗn hợp và tạt vào quán phở. Đồng đảm nhận vai trò bỏ gián vào tô phở.
Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ nhiều tang vật như: Sơn, bình xịt hơi cay, kiếm, còng số 8, áo giáp, giấy tờ xe, 3 xe ô tô hiệu Lexus, Mercedes nghi mang giấy tờ giả.
Theo lời chủ quán Phở Hòa, những đối tượng lạ mặt tìm đến quán đều hỏi thông tin về ông Tuấn (em rể của chủ quán). Nhóm người này cho rằng, ông Tuấn nợ tiền họ và không chịu trả. Phía gia đình chủ quán phở nhiều lần giải thích không hay biết nợ nần của ông Tuấn và cũng không liên quan tới việc này. Tuy nhiên, nhóm người lạ tiếp tục gây áp lực, đòi chủ quán Phở Hoà phải trả nợ.
|
Bao nhiêu vụ tương tự chìm vào im lặng?
Phải đến khi truyền thông, mạng xã hội lên tiếng mạnh mẽ, được công an (cấp cao hơn cơ sở) vào cuộc thì vụ khủng bố Phở Hòa mới đi đến một kết thúc có hậu.
Theo ông Phạm Tùng Linh, chủ quán phở, từ ngày 1/7 đến khi Công an TPHCM vào cuộc bắt đối tượng gây rối, quán phở đã tám lần bị tạt sơn, mắm tôm và gia đình đều trình báo Công an phường 8, quận 3. Thế nhưng, nhóm người này không dừng lại mà còn công khai thực hiện với tần suất dày đặc hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, tài sản của gia đình.
Được xử lý sớm là một may mắn của Phở Hòa. Theo ý kiến của dư luận, nếu không có truyền thông và mạng xã hội vào cuộc mạnh mẽ, nếu Phở Hòa không phải là một điểm đến du lịch, thu hút cả khách quốc tế thì mọi việc chưa chắc được giải quyết tốt đến thế.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh thành, tình trạng khủng bố bằng mắm tôm, sơn đỏ… vào nhà dân để đòi nợ không phải là hiếm. Chị Huệ (ngụ tại Q.9, TPHCM) cho biết: Gia đình chị cũng có một người thân mắc nợ và bị khủng bố nhiều lần. Sự việc khiến gia đình hoang mang, dù cũng báo nhiều lần đến cấp phường, xã nhưng cũng không ai giải quyết. Vì để giải quyết thì phải bắt quả tang hay có chứng cứ để lập biên bản vi phạm. Việc này về phía người dân khó thể cung cấp, vì đa phần xảy ra ban đêm, đối tượng khủng bố làm nhanh, rút nhanh.
Quản lý chặt dịch vụ đòi nợ thuê
Tại cuộc họp báo của Phòng CSHS về vụ Phở Hòa, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng phòng CSHS cho biết: Các đối tượng vừa bị bắt trong vụ này liên quan đến một công ty thu hồi nợ và bước đầu cho thấy công ty này hoạt động không đúng theo đăng ký, sử dụng người xăm trổ đi đòi nợ không có trong danh sách công ty, nhắm đến người thân của con nợ để đòi…
Dịch vụ đòi nợ thuê là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, thời gian qua trên thực tế dịch vụ này có nhiều biến tướng. Một số công ty trang bị nhiều loại hung khí rất nguy hiểm và hành xử theo kiểu giang hồ.
Đây cũng là thực trạng khó quản khiến Bộ KH&ĐT dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, theo đó đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề bị cấm. Sau đó năm 2018, TPHCM có đề xuất tương tự gửi các bộ, ngành hữu quan. Thiết nghĩ cần phải nâng tầm quản lý dịch vụ đòi nợ thuê hơn nữa. Nếu không, câu chuyện khủng bố kiểu như diễn ra ở Phở Hòa và nhiều nơi khác nữa, sẽ tiếp diễn, gây ảnh hưởng lớn đến người dân và trật tự xã hội.