Nhìn nhận “tín dụng đen” đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều phe nhóm và các hoạt động phạm pháp đi kèm, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị Công an có giải pháp xử lý hiệu quả các đối tượng hoạt động tín dụng đen, đảm bảo an toàn cho người dân. Vì thực tế thời gian qua hầu hết các vụ việc vẫn chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, chưa nhiều vụ bị khởi tố.
Để giảm những hệ lụy và nỗi khổ cho những người dân nghèo trót phải tìm đến “tín dụng đen” như một cứu cánh, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí kiến nghị với TPHCM hai giải pháp chính; Một là khi thực hiện chính sách ưu đãi vốn vay cho người nghèo, cần ban hành các thủ tục thật gọn, để người nghèo tiếp cận các chính sách một cách dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng.
Hai là tạo ra nguồn quỹ riêng, phát triển và đẩy mạnh hơn nữa nguồn vốn vay từ các đoàn, hội, giúp người dân khó khăn về vốn có thể vay ưu đãi. Qua đó, góp phần hạn chế nguy cơ người nghèo rơi vào “bẫy” tín dụng đen.
Trung tướng Lê Đông Phong- Giám đốc Công an TPHCM thông tin, trao đổi ý kiến |
Nhìn nhận về thực trạng “tín dụng đen” đang có nhiều hoạt động tinh vi, và biến ảo về phương thức. Nhưng Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TPHCM cho biết: Hiện Công an TPHCM đã có kế hoạch chuyên đề về “tín dụng đen”. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về hướng xử lý hình sự cũng như xem xét xử lý hành chính trong trường hợp không xử lý hình sự được.
Song song đó, Công an TPHCM đã và đang thu thập, tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, rà soát các đối tượng có hoạt động đòi nợ thuê để có hướng giám sát, xử lý.
“Trong sáu tháng vừa qua, số vụ việc, vụ án liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm 20%; số vụ tạt chất bẩn, la ó ồn ào, uy hiếp nạn nhân đã giảm 22%”- Trung tướng Lê Đông Phong nói.