Từ vụ chồng đốt vợ ở Thái Bình: Chuyên gia chỉ rõ sai lầm vợ chồng khiến mâu thuẫn lên đỉnh điểm

Vụ việc chồng tẩm xăng đốt vợ ở Thái Bình không phải là chuyện hi hữu khi ngày càng thêm sự việc vì mâu thuẫn vợ chồng mà đương tâm sát hại lẫn nhau. Chuyên gia chỉ rõ sai lầm vợ chồng khiến mâu thuẫn lên đỉnh điểm có thể dẫn tới bi kịch đau lòng.

Đốt vợ vì mâu thuẫn

Vụ việc vì mâu thuẫn gia đình, chồng đốt vợ ở Thái Bình đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Sau khi bị chồng đổ can xăng lên người châm lửa đốt, người vợ đã bị bỏng nặng phải chuyển lên Hà Nội tiếp tục cứu chữa. Người chồng cũng bị bỏng nhẹ và chủ động ra đầu thú.

Cũng chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, sau trận cãi vã tại nhà riêng ở phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội), Quách Văn Nam (31 tuổi) đã dùng dao sát hại người vợ trẻ và con trai 2 tuổi tử vong tại chỗ.

Trong cuốn "Tâm lý học tình yêu gia đình" của tác giả Nguyễn Đình Xuân đã viết như sau: "Vợ chồng ăn ở với nhau dù yêu nhau thắm thiết đến đâu, cả cuộc đời cũng khó tránh khỏi được sự cãi cọ, hờn giận, ghen tuông bởi "bát đũa cũng có khi xô" huống chi con người.

Song vấn đề chính là cách thức giải quyết các sự va chạm đó như thế nào cho tốt". Đời sống vợ chồng quả thực không chỉ màu hồng như nhiều người vẫn lầm tưởng mà giống như "chiến trường" khi hai người chẳng tránh khỏi mâu thuẫn, bất hòa…

Về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đã nhận định rằng, vụ việc là hồi chuông báo động sự băng hoại về đạo đức, sợi dây kết nối hôn nhân lỏng lẻo.

Trong cuộc sống gia đình, ai cũng đề cao cái tôi cá nhân, không có nhường nhịn, mâu thuẫn khó tránh. Mâu thuẫn không chỉ tới từ những vấn đề cơm áo gạo tiền, sự ghen tuông mà còn là từ đố kị, nghi hoặc, từ những việc nhỏ như chồng sống không có trách nhiệm, hay rượu chè…

Những mâu thuẫn nảy sinh dồn ép trong một thời gian dài không được giải quyết, bất kể là mâu thuẫn lớn hay nhỏ đều có thể thành "đám cháy lớn". Từ mâu thuẫn trong lời nói đến hành động bạo lực rất dễ. Và chỉ trong một phút mất kiểm soát, con người thiếu sự kiềm chế, không có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, những hậu quả đáng tiếc xảy ra khó tránh khỏi. Dù sau đó có hối tiếc cũng muộn.

Có rất nhiều vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn gia đình không có động cơ từ trước và đơn giản chỉ là hành động bộc phát, bản thân không kiềm chế được lúc nóng giận.

Nguyên tắc giải quyết bất đồng tránh mâu thuẫn lên đỉnh điểm

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng khó tránh khỏi nhưng đòi hỏi cả hai cần phải biết cách gỡ thắt nút, nếu không chẳng khác "đổ thêm dầu vào lửa" và khi mâu thuẫn đến đỉnh điểm có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực.

Để tránh mâu thuẫn lên đỉnh điểm khiến đối phương mất kiểm soát bản thân bạn nên biết những nguyên tắc sau, cũng là những sai lầm mà nhiều vợ chồng không để ý:

* Nên tôn trọng sự khác biệt

Điều này cần phải ý thức ngay từ giai đoạn tìm hiểu nhau, đó là sự khác biệt nam nữ, sự khác biệt giữa chồng và vợ. Hai người là hai cá thể khác biệt nhau sống chung trong một gia đình, dưới một mái nhà. Họ chẳng những phải chấp nhận, chịu đựng và tự điều chỉnh để thích nghi với người kia tránh xung khắc.

Người xưa vẫn có câu "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn" là vậy. Sự khác biệt là tất yếu nhưng cũng cần sự hòa hợp để vợ chồng có đủ sức mạnh vượt những cơn khủng hoảng trong đời sống gia đình.

* Lắng nghe và đối thoại

Trong đời sống vợ chồng nhiều khi giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói mà nhiều khi vì không có ai lắng nghe.

"Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê" là nói lên tầm quan trọng của sự lắng nghe, đối thoại. Nếu không cuộc khẩu chiến giữa vợ chồng chẳng biết khi nào kết thúc và sự bất đồng sẽ mãi kéo dài. Không ít cặp vợ chồng chia tay khi về sống chung vì không tìm được tiếng nói chung, cứ "mở mồm ra là cãi nhau".

Để tránh mâu thuẫn, vợ chồng cần gia tăng đối thoại trong gia đình để tránh những hiểu lầm ý vợ thế này mà chồng lại hiểu khác và điều này cũng giúp bầu không khí trong tổ ấm luôn tươi vui.

* Bình tĩnh kiểm soát lời nói

Thường trong lúc cãi vã, người ta vì nóng giận nên khó bình tĩnh và tự chủ. Ai cũng có xu hướng phần thắng về mình mà không chịu lắng nghe đối phương. Trong một cuộc tranh cãi quan trọng là cả hai bình tĩnh, kiểm soát được hành vi, lời nói của mình sao cho ôn hòa, dễ chịu.

Nhiều khi chỉ vì chuyện nhỏ nhưng vì cả hai không biết tự chủ mà thành lớn tiếng, cãi cọ và xung đột một cách nặng nề. Việc đổ thêm dầu vào lửa ấy không kiểm soát được dễ dẫn tới thảm kịch lớn trong gia đình, như chồng giết vợ, vợ đánh đập hành hung chồng

* Một sự nhịn chín sự lành

Đây là giải pháp hiệu quả trong nóng giận, xung đột. Nhường nhịn nhau không phải là sự thất thế, thua thiệt mà để tránh "thêm dầu vào lửa". Khi cãi nhau thường không thể giữ bình tĩnh và lý trí, ngay cả nguyên nhân tranh chấp ban đầu cũng quên bẵng.

Bởi vậy mà lúc vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình, làm cuộc tranh cãi mau kết thúc. Sau khi đối phương đã hết cơn nóng giận, khi đó mình mới tìm cách trao đổi nhẹ nhàng, thẳng thắn với nhau.

* Đừng im lặng

Nhịn chỉ nên khi một trong hai đang nóng, sau đó cần phá vỡ sự im lặng này. Nếu như chẳng thèm để ý gì đến người bạn đời của mình, hố ngăn cách giữa hai người ngày càng lớn. Thay vì cả hai cùng im lặng để "ngậm đắng nuốt cay", cả hai cần đối thoại, chia sẻ ý kiến riêng của mình rồi tìm hướng giải quyết. Hiểu lầm không được giải tỏa, tích tụ lâu dẫn tới bế tắc, khó giải quyết hơn.

Trường hợp, bạn đời vẫn giữ lấy cái tôi thì bạn có thể viết mẩu giấy với lời nhắn yêu thương và đề cập tới việc cả hai nên nói chuyện để hiểu nhau hơn. Mâu thuẫn nhanh được giải quyết khi cả hai có thiện chí hòa giải.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ