Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, quá trình đánh giá, nghiên cứu, xây dựng phần mềm được lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, có khả năng tích hợp đa nền tảng, gần gũi, thân thiện, dễ tiếp cận tới số đông người lao động.
Đơn vị triển khai chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tham vấn về kỹ thuật, tính khả thi, khả năng tích hợp, ứng dụng trong các nền tảng/môi trường khác nhau. Tổng Liên đoàn phối hợp với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực lao động, công đoàn của các bộ, ngành để xây dựng dữ liệu của phần mềm gồm 200 câu hỏi, tình huống thực tế mà người lao động quan tâm, thường xuyên xảy ra trên thực tế.
Hệ thống này có thể tự động tiếp nhận câu hỏi của người lao động dưới hình thức văn bản hoặc lời nói liên quan đến pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động. Hệ thống tự động phân tích nội dung để đưa ra câu trả lời phù hợp.
Trong thời gian thí điểm, từ tháng 11/2018 đến nay, hệ thống này đã tiếp nhận 46.409 lượt câu hỏi, và trả lời chính xác hơn 90%, đạt khối lượng công việc tương đương 15 tư vấn viên làm liên tục trong 1 năm.
Hệ thống này có thể tích hợp trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, các mạng xã hội phổ biến, hệ thống tổng đài điện thoại trả lời tự động, các ki-ốt trả lời tự động đặt cố định tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp lớn, khu vực tập trung đông công nhân…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc khai trương Hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến của Tổng Liên đoàn. “Từ hệ thống này các đồng chí có thể mở rộng các lĩnh vực hỏi - đáp, thường xuyên cập nhật các đáp án. Ngay cả những vấn đề về tài chính, kinh tế nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào sẽ giúp công khai, minh bạch, tiết kiệm rất nhiều. Đấy chính là những hành động cụ thể nhằm tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng mong muốn.