Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Sáng 15/9, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức Tổng kết năm học 2019 – 2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2020 – 2021.

Ban Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa chia tay các đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục nghỉ hưu trong năm học vừa qua
Ban Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa chia tay các đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục nghỉ hưu trong năm học vừa qua

Tham dự hội nghị có ông Đặng Quốc Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo cấp huyện, ngành giáo dục trong toàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình GDPT mới

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 700 trường mầm non và phổ thông, 10.180 lớp, 314.435 học sinh; so với cuối năm học 2018 -2019 giảm 25 trường (giảm 32 trường công lập và tăng 7 trường ngoài công lập),  giảm 137 lớp,  giảm 4551 học sinh.

Năm học vừa qua, ngành giáo dục Hà Tĩnh cũng đã chủ động trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ. Sau khi tuyển sinh đầu cấp, các phòng GD&ĐT, theo phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục tham mưu UBND cấp huyện, Sở GD&ĐT đề xuất nhu cầu đội ngũ; Sở hướng dẫn bố trí, sắp xếp đội ngũ trên cơ sở số lượng hiện có và kế hoạch biên chế đã được phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học cho các nhà trường; những trường thiếu giáo viên so với biên chế được giao đã tham mưu UBND cấp huyện, Sở bố trí giáo viên biệt phái hoặc bố trí kinh phí đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định.

Hội nghị diễn ra vào sáng 15/9.
Hội nghị diễn ra vào sáng 15/9.

Thực hiện biệt phái 55 giáo viên THPT, 56 giáo viên THCS từ các đơn vị, địa phương thừa đến đơn vị, địa phương thiếu giáo viên. Cơ bản đã giải quyết được những bất cập về số lượng, cơ cấu bộ môn giữa các trường THPT và giữa các địa phương đối với cấp THCS. Đặc biệt giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên tại các trường, địa phương vùng khó khăn. Các đơn vị cấp huyện tuyển dụng 456 giáo viên tiểu học theo chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt. Bổ sung 157 biên chế làm nhiệm vụ nhân viên hỗ trợ, phục vụ tại các trường mầm non để tuyển dụng số lao động.

Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện đồng bộ với tâm huyết cao. Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 tại các cơ sở giáo dục tiểu học được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai và minh bạch. Tỷ lệ số trường lựa chọn các bộ sách: Cánh Diều (59,4%), Cùng học để phát triển năng lực (29,9%), Kết nối trí thức với cuộc sống (0,7%), Chân trời sáng tạo (2,6%), Vì sự bình đăng và dân chủ trong giáo dục (7,4%). Phối hợp các trường đại học tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn cấp tiểu học về Chương trình sách giáo khoa mới.

Trong năm học 2019 – 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19 nên việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học còn gặp nhiều khó khăn; học sinh phải nghỉ học dài ngày. Đời sống nhân dân gặp khó khăn nên công tác huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất giáo dục và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập ở vùng nông thôn còn gặp nhiều bất cập.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học mới 2020 – 2021, ngành giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên

Giáo dục mầm non: Tiếp tục thực hiện chương trình GDMN theo quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, phát triển chương trình linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường, đội ngũ giáo viên, văn hóa địa phương; tăng cường các hoạt động vui chơi trải nghiệm phù hợp với độ tuổi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ...

Một năm học mới đầy thách thức và cố gắng của ngành giáo dục Hà Tĩnh.
Một năm học mới đầy thách thức và cố gắng của ngành giáo dục Hà Tĩnh.

Giáo dục phổ thông: Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng hợp lý và hiệu quả; tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học…

Vấn đề nâng cao năng lực của đội ngũ  cán bộ quản lý và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong Chương trình GDPT hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng Chương trình GDPT mới; thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học tích cực…

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lí, dạy học. Đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học; thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chúc mừng, ghi nhận những nỗ lực mà ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được trong năm học đầy khó khăn và thử thách.

Tại cuộc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh phát biểu: Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, việc rà soát, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu công việc cần được chú trọng.

“Ngoài việc tiếp tục điều động biệt phái từ nơi thừa đến nơi thiếu, tỉnh cũng đã có kế hoạch bổ sung thêm hơn 1.000 giáo viên bậc tiểu học và mầm non trong năm học này” – ông Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh.

Cùng với đó, ngành tiếp tục chú trọng tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1; thực hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên; phát huy đội ngũ giáo viên cốt cán ở các nhà trường, cấp huyện và cấp tỉnh để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tiếp theo.

Trong chỉ đạo chung, năm học 2020-2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn, vì thế, bên cạnh công tác chuyên môn, ngành giáo dục cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong các nhà trường để đảm bảo trường lớp an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.