Tự truyện tiết lộ quá khứ ngủ công viên, phục vụ bàn của Hồ Quang Hiếu

Trong tự truyện "Đổi thay", Hồ Quang Hiếu kể lại chi tiết những khó khăn ngày đầu tới Sài Gòn theo đuổi nghề ca hát.

Tự truyện tiết lộ quá khứ ngủ công viên, phục vụ bàn của Hồ Quang Hiếu

Khi đã quyết tâm lựa chọn con đường âm nhạc, mình xác định phải vào Sài Gòn, ở đó là “thủ phủ” của nghệ thuật, “chốn dung thân của mọi kiếp người” mặc dù không có người quen trong đó. Bây giờ, nghĩ lại thấy lúc đó mình liều thật, trong tay không có gì mà dám bước vào thế giới showbiz đầy sóng gió...

Nhưng cho dù có được quay lại thì mình vẫn sẽ làm như vậy. Tuổi trẻ thì nên dấn thân và mạo hiểm, nếu không dũng cảm bước đi về con đường mình yêu thích bằng cả trái tim thì mãi mãi chỉ là con ếch ngồi dưới đáy giếng mà thôi.

Đặt chân tới Sài Gòn, bỡ ngỡ lắm, không quen biết ai, bằng đại học không phải giấy thông hành cho mọi công việc. Mình cũng không biết muốn bước vào con đường âm nhạc phải bắt đầu thế nào, nên công việc đầu tiên của mình là phục vụ quán cà phê để sống qua ngày vì có thực mới vực được đạo.

Thực ra việc đi bưng bê cũng ngại lắm, thấy bóng dáng bạn bè cái là mình lủi đi ngay. Ban đầu đi làm phục vụ, thấy những đứa trẻ cùng trang lứa mình ngại phục vụ lắm, thấy con gái còn xấu hổ hơn...

Dù sao mình cũng đã là “một cậu ấm”, khi mà nhà làm ăn thất bại vô Sài Gòn, không có tiền xài thì mình bắt buộc phải đi phục vụ. Mình vẫn còn mối quan hệ cũ hồi còn khá giả, mượn tiền xài, nhưng cũng không mượn hoài được.

Đi làm 700 nghìn mà tiêu xài hết 3-4 triệu. Chi tiêu không hợp lý, vì mình ra ngoài chưa quen.

Thời điểm đó, mình bắt buộc phải đi làm, nhưng trong lòng luôn nghĩ: “Lỡ đâu gặp bạn bè thì không biết xử lý thế nào, không biết giấu mặt đi đâu nữa”. Ban đầu mình bị chủ đòi đuổi việc suốt thôi. Làm giữ xe trốn suốt, mình sợ đứng ngoài đường, thế là khi khách ra không có người dắt xe cho, người ta nói lại với chủ quán, đòi đuổi việc. Chủ bực mình lắm.

Nhiều khi phục vụ cũng vậy, khách trẻ ngại, cứ sợ trong lòng, lỡ có đứa nào bằng tuổi mình, tưởng tượng ra đó là bạn mình, “Chắc chết luôn!”, “Anh ơi uống gì ạ?” người đó quay mặt ra mà đúng người quen mình thì ngại, chắc chết.

Sau một thời gian đi làm, mình tâm sự với các bạn làm chung, mình có suy nghĩ là làm đàng hoàng, không làm điều gì xấu, miễn sao đó là công sức lao động của mình, công việc lương thiện, không sợ gì cả.

Giàu có thì bạn bè rất nhiều, đến khi gặp khó khăn thì mình mới bị sốc. Họ lơ mình, xem mình như người không quen biết, nên cũng thấy rất buồn chứ. Đi làm nên mình luôn trân trọng những đồng tiền mình làm ra.

Có những người bạn làm chung rất nghèo, nhưng lại rất quý trọng tình cảm và nghĩa hiệp, có hôm mình cần mượn 100 nghìn, bạn ấy lấy tiền dành dụm ra đưa cho mình luôn. Khi cầm tiền đó, cảm thấy trân trọng lắm, người ta cũng cực như mình thôi.

Sau này vượt qua được, mình cũng chấp nhận sự thật nên sống thực tế hơn. Và mình cũng tự nhận thấy nghề phục vụ thì không có gì là xấu cả.

Vừa bưng bê cà phê vừa đi hát, có hôm show hát trùng với ca làm đành nhờ người trực hộ, chủ mắng té tát nhưng thấy mình ham hát quá nên vài lần đầu cũng bỏ qua.

Dần dần, thời gian đi hát nhiều hơn cả đi làm chính, không thể sắp xếp được nữa nên chủ quán phải cho mình nghỉ. Nhưng đi hát đâu phải cứ thế là lên hát, phải sắm sửa quần áo, rồi đi lại tốn kém. Thất nghiệp, đi hát không đủ chi phí,nhưng mình vẫn không hề nản chí.

Sài Gòn vào mùa mưa, hết show, buồn lắm. Mình quay qua xin phục vụ quán ăn, giữ xe, tiếp thị bỏ cà phê, bỏ mấy quán cà phê cóc, chạy vòng vòng thành phố...

Khi quen dần với môi trường sống, có cơm ăn, có chỗ ngủ ổn định, mình bắt đầu lân la tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, đi vào Nhà văn hóa Thanh niên, những nơi hoạt động âm nhạc, xin liên hệ và tìm các nhóm nhạc để có cơ hội được đi hát, đi nghe và học hỏi thêm.

May mắn là mình cũng được nhiều bạn bè quý, giới thiệu đi hát đám cưới, hát tốp ca...

Mình cũng không thể quên được những ngày tháng ở trọ... Tiền nhà hàng tháng trở thành một gánh nặng khủng khiếp. Mình như kẻ lang thang ở khắp các quận, vì cứ đến tháng không có tiền đóng cho chủ nhà nên bị người ta đuổi, đành xách túi đi sang quận khác để thuê nhà. May đồ cũng không nhiều, vỏn vẹn một cái balo nên cũng tiện cứ thế xách đi trong đêm.

Các bạn sinh viên biết rồi đấy, mình thuê nhà ở chung với chủ nhà, họ quy định 11h đêm đóng cửa. Nên hầu như đêm nào mình cũng ngủ ngoài đường vì đi diễn là chấp nhận về 2-3h sáng.

Mình phải đi qua đêm tới sáng 6h rồi mới về nhà ngủ. Hầu hết là ngủ ngoài công viên hoặc dựng xe trước cửa nhà để ngủ.

Có những khi phải thuê ở những khu nhà rất phức tạp, thuê phòng nằm ngay khu của dân nghiền ma túy. Đường hẻm, dân ma túy đi lại chích, tối ra về, đi lại sợ lắm.

Nhiều khi mình ngó qua cũng không biết, vì thấy họ nói chuyện với hàng xóm cũng đàng hoàng, thi thoảng họ nhờ chở giùm đi chỗ này chỗ kia, có đợt họ nhờ chở đi mua ma túy, trời ơi sợ chết luôn. Vì mình không biết.

Có hôm nói chuyện với mình rất lịch sự: “Hiếu chở anh đi đây xíu”. Chở tới một khu, thấy họ mua ma túy, sau mới biết họ nghiện, rất sợ, lại kiếm chỗ ở khác.

Có đợt ở một khu, mình sắm sửa mua được cái tivi, đầu đĩa. Thấy vui lắm! Rồi một ngày đi diễn về thấy trong phòng trống không, mất hết đồ, không biết nói gì hơn nữa. Đi báo công an, nhưng cũng không giải quyết được gì.

Ở Sài Gòn có nhiều khu mình ở ngập nước, 7h đi hát, 4h mình phải ra khỏi khu đó rồi, nếu chờ tới 5h đi thì nước lên, xe chết máy, không đi được. Nhiều khi chết máy ướt hết quần áo không diễn được.

Có mấy lần đi hát mà người ướt nhẹp, khán giả đứng gần người ta thấy quần áo ướt. Đồ trắng nữa, kinh lắm. Bận áo mưa cũng bị ướt. Mặc xong, tối về giặt, phơi, nhiều khi mặc lại đồ ướt tới nơi khô là vừa. Cực lắm!

Được hát là được sống... Thực sự mình đã nghĩ nếu có đủ niềm đam mê, yêu thích công việc đó, nó cứ cháy mãi trong trái tim, yêu thích nó, mình sẽ thành công thôi. Hát được mọi nơi.

Làm gì thì làm, khó khăn thì muôn vàn nhưng thấy mình được đứng trên sân khấu, được hát hàng ngày là sung sướng lắm rồi. Nó chảy trong máu mình. Ngồi xe từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, biết bao ngày thế. Có lần mình bị sốt khi đi tàu ra Đà Nẵng diễn. Trên tàu không có sẵn thuốc. Cảm thấy mình không sống được. Lúc nào cũng tiết kiệm nên mình ngồi tàu vé hạng bét, ghế cứng, ngồi mở cửa sổ...

Đợt đó may mắn gặp một chị trên tàu, không quen nhưng chị thấy tội nghiệp. “Có quen ai hay không, ra Đà Nẵng làm gì”... Mình cũng vui vẻ đáp lại... rồi chị giúp mình tới bệnh viện ở Đà Nẵng. Chích thuốc xong, tối đó mò dậy đi hát. Thời gian đó cực lắm, chả hiểu sao mình lại có thể kiên trì đến như vậy.

Lúc đó mình cũng không dám nói với gia đình, mình nói là: “Có việc ở Sài Gòn rồi, làm ở Nhà Văn hóa Thanh niên”. Những lúc mẹ vào thăm, mình đang phải giữ xe, liền nhờ bạn trông giùm, đi về thay đồ. “Má chờ con xíu”. Thế là mình chạy lên Nhà văn hóa, đứng ở đó đợi mẹ, thương mẹ, không muốn mẹ khóc nữa nhưng cũng sống chết không chịu về, quyết tâm ở Sài Gòn để theo đuổi đam mê.

Chị mình cũng vào thăm. Chị thấy ở dơ quá, phòng trọ kinh quá, chị nói: “Em về quê đi, ở trên này có dư đâu, ở lại khổ nữa”. Lúc đó muốn nhà yên tâm nên cứ bảo là không sao, công việc ổn, em ổn. Thực ra nay sống nay, còn mai không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao nữa...

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.