Tiếng cười đôi khi không chỉ để giải trí thuần túy mà còn ẩn chứa những thông điệp mà người viết muốn gửi gắm tới người đọc.
Trước khi bắt đầu những trò đùa gây “chấn động” của Ba Giai và Tú Xuất, người biên soạn Lữ Huy Nguyên đã dành chương đầu tiên gồm 8 trang để giới thiệu về gốc tích hai nhân vật này.
Theo đó, ông dẫn giải chuyện Giáo sư Nguyễn Tường Phượng nói rõ “những điều mình biết về hai nhân vật có nhiều giai thoại này, là được kể theo lời thân mẫu giáo sư”.
Vậy nên, Ba Giai và Tú Xuất là một “cặp bài trùng” và tạo nên nhiều câu chuyện đáng ghi nhớ tại đất Hà thành, nhưng lại không rõ năm sinh năm mất, chỉ tương truyền xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Ba Giai là người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội cũ, được tương truyền học ở “trường đại tập của cụ Cử tiến song Ngô Văn Dạng”, song lại là “anh học trò nghe sách không hết bài”. Còn Tú Xuất là “con thầy học của quan tuần phủ nên ai cũng nể”.
Có lẽ, chính nhờ xuất thân từ làng văn chương ấy họ đã tạo ra vô số sự kiện li kì nhưng rất đỗi hài hước ở những nơi hai người đặt chân tới. Đó là khi Ba Giai giúp nhân dân Hà Nội trừ tên sâu mọt – huyện Gà. Những hành động của huyện Gà thật đáng khinh bỉ, chẳng hạn như huyện Gà ra lệnh cấm “thổ đĩ”.
“Nhưng ai còn lạ gì cái lỗi “xoay tiền mới” này, vì chính huyện Gà cũng là thằng dắt “gái” cho Tây khi chúng mới đến chiếm Hà Nội vừa qua”. Thế là, Ba Giai viết thơ rằng: “Nhà tiệm phen này liệu bảo nhau/ Có tờ yết thị cấm thanh lâu/ Lạn pho tếch thẳng về quê trước/ Hủ hạt mau chân lẻn cửa sau/ Quần của chị em thôi xếp lại/ Lễ đơm Tổng lý quyết đưa mau/ Khoáng phu oán nữ oan thì khiếu/ Tang bộc từ xưa có cấm đâu”.
Bằng những lời thơ rất thâm thúy ấy, Ba Giai đã khiến những việc làm tày trời đó tới tai của nguyên tổng đốc Hà Ninh Trần Đình Túc, qua đó khiến huyện Gà phải về vườn.
Hay khi Tú Xuất khiến anh hàng mèo một phen bẽ mặt khi có những lời lý sự vừa ngang ngạnh, lại vừa không hợp tình, hợp lý. Lúc Tú Xuất đến quán thì đã thấy anh hàng mèo ngồi ở giường trên, cùng với lồng đựng mèo “choán hết cái giường”, khiến Tú Xuất phải ngồi giường dưới.
Dù chủ quán nhắc nhở, “chỉ có điều bác để mèo “ngự” giường trên mà ông Tú đây phải chịu cảnh giường dưới, hóa ra mình trọng mèo hơn người, không tiện”, nhưng anh hàng mèo vẫn không chịu lắng nghe. Để rồi đến đêm, Tú Xuất lén thả hết mèo trong lồng ra, nhân tiện sử dụng chính cái “lý sự mèo” để lí giải, khiến anh hàng mèo dù bị nói cạnh, nhưng vẫn “há miệng mắc quai”, không thể nào phản pháo được.
Những trò đùa vui của Ba Giai và Tú Xuất không chỉ làm trò tiêu khiển cho người đời rồi sau đó quên đi, mà còn để lại những ý nghĩa thâm sâu. Đó là những ai có thói chua ngoa, đanh đá chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Họ là những người không biết hạ thấp cái tôi trong mình để có thể dung hòa với mọi người xung quanh, khiến không thể hòa hợp với xã hội và dễ bị người đời khinh thường. Và không sớm thì muộn, họ sẽ bị trừng trị đích đáng, tới nơi tới chốn.
₫8Trong tác phẩm, Ba Giai và Tú Xuất chính là đại diện tiêu biểu cho những người ghét thói xấu của người đời và sẵn sàng ra tay để loại bỏ điều ấy. Đã có không ít lần Ba Giai và Tú Xuất ra tay để “trị” chúng, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Sự ra tay này luôn nghiêm túc, tới cùng, kể cả những cách trị có phần dung tục, chứ không hời hợt, qua loa, để rồi đâu lại vào đấy.
Chẳng hạn, Ba Giai và Tú Xuất đã dạy cho hai mẹ con bà góa bán cháo một bài học nhớ đời về tội tham thì thâm. Tính tham lam của hai mẹ con được thể hiện ngay khi thấy hai chàng mang lồng tre đựng vịt vào quán, “cô con gái bà chủ quán nhanh nhảu: - Hai ông định bán cặp vịt này bao nhiêu?”.
Để rồi Ba Giai và Tú Xuất cùng bày mưu kế, bịa ra đủ mọi năng lực “trên trời dưới biển” – “đêm đến môi trống canh đẻ ra một qua trứng”, “sống lâu cả trăm năm không bị toi bệnh gì cả”, “ở tận núi Thái Sơn”… để càng làm mờ mắt hai mẹ con. Chỉ đến khi mua lại cặp vịt với giá cắt cổ mà lại chẳng có những khả năng như hai chàng quảng cáo, hai mẹ con bà góa bán cháo mới biết bị lừa chỉ vì thói tham lam của mình.
Hay khi trị tội cô hàng xén, Ba Giai cũng phải thi thố “chửi bậy” để vừa nói lên thói xấu của cô hàng xén, lại vừa khiến cô không thể nào phản pháo được.
Tuy cách dạy mẹ con bà góa bán cháo hay cô hàng xén bài học của Ba Giai và Tú Xuất có phần hơi ác ý và lỗ mãng, nhưng hai chàng bắt buộc phải làm vậy để đánh chừa những cái nết xấu vẫn tồn tại trong xã hội.
Vì thế, đọc cuốn “Ba Giai - Tú Xuất”, độc giả sẽ được cười nghiêng ngả với những trò đùa hài hước của “cặp bài trùng” để suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa, từ đó tự sửa chữa những điều chưa tốt của bản thân.
Tác phẩm “Ba Giai - Tú Xuất” được NXB Văn học giới thiệu tới độc giả với ấn bản được biên soạn bởi Lữ Huy Nguyên. Cuốn sách bao gồm 25 chương, tương ứng với 25 câu chuyện “chấn động” mà Ba Giai và Tú Xuất đã làm trên đất Hà thành, từ trị tội các cô bán hàng chua ngoa, đanh đá, cho tới khéo léo “sửa lưng” các ông quan huyện, các nhà giàu có nhưng keo kiệt, bủn xỉn, xun xoe, nịnh bợ.