Sau 3 năm hoạt động, việc chữa bệnh mê tín, mời thầy mo về làm lễ đã giảm đáng kể.
Thắm tình quân dân
Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài hơn 419km, chạy qua 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào. Do địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt nên việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của đồng bào các xã biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nằm cách trung tâm xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 30km, đường vào bản Huổi Pốc đi lại rất khó khăn, phải vượt qua nhiều khúc cua tay áo và những con đèo dựng đứng. Trước đây, do nhận thức còn hạn chế nên mỗi lần đau ốm, bệnh tật người dân lại gọi thầy mo về cúng, hoặc tự chữa bệnh bằng những loại lá, rễ cây…
Tuy nhiên, từ khi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn thành lập tổ công tác và xây dựng mô hình “Tủ thuốc biên cương” thì người dân bản Huổi Pốc được bác sĩ quân y khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Cấp cứu kịp thời một số trường hợp, đồng thời rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại cho bà con.
Hoạt động hiệu quả của “Tủ thuốc biên cương” đã góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, dân bản đã hiểu rõ giá trị của phương pháp điều trị Tây y, cũng như tin tưởng vào những bác sĩ quân y.
Ông Lầu Xái Hờ (SN 1947), già làng bản Huổi Pốc, xã Nậm Cắn, cho biết, bản có 168 hộ với gần 900 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, mỗi khi đau ốm bệnh tật, bà con thường truyền tai nhau chữa bệnh bằng lá, rễ cây rừng. Trường hợp nặng không khỏi được thì mời thầy mo về làm lễ để chữa bệnh. Do nhận thức còn hạn chế, mê tín nên nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.
“Vì trạm y tế cách bản rất xa, đi lại khó khăn nên bà con rất ngại đến khám bệnh. Có trường hợp bệnh nặng, bà con đưa đi cấp cứu không kịp thì người thân đã mất. Hơn một năm nay, từ khi Bộ đội Biên phòng triển khai “Tủ thuốc biên cương”, bà con ốm đau không còn phải đi xa nữa, mà đến nhờ các cán bộ khám bệnh, cấp thuốc”, già làng Lầu Xái Hờ phấn khởi.
Đại úy Đặng Văn Tuyến, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, cho biết, cách đây 4 tháng, anh được cấp trên phân công phụ trách khám chữa bệnh cho chiến sĩ và nhân dân tại bản Huổi Pốc. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, anh Tuyến và cán bộ của tổ công tác còn thường xuyên vận động người dân ra thăm khám những khi ốm đau, làm thay đổi quan điểm chữa bệnh của đồng bào.
Theo anh Tuyến, mỗi tháng đơn vị khám và cấp thuốc cho 60 - 80 lượt người. Ngoài cơ số thuốc được trên trang cấp, còn được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chia sẻ, ủng hộ.
Ngoài ra, các cán bộ trong tổ công tác còn thường xuyên sưu tầm, trồng thêm các loại cây thuốc nam tại đơn vị, giúp đa dạng hóa nguồn thuốc chữa bệnh. Các loại cây dược liệu thuốc nam này đều sẵn có trên địa bàn, việc trồng và chăm sóc rất thuận tiện vì hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Quá trình làm nhiệm vụ, Đại úy Tuyến cho biết, bà con thường hay đến khám các bệnh như cảm cúm, đau đầu, cao huyết áp, đau cơ xương khớp, giun sán và một số bệnh về tiêu hóa. Trường hợp nào không đi lại được, anh Tuyến sẽ đến tận nhà để thăm khám, cấp thuốc cho bà con. Đồng thời, khuyên bà con không tự ý dùng các loại lá cây hay mời thầy cúng về chữa bệnh.
Ngoài chữa bệnh, các cán bộ quân y như anh Tuyến còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, cách phòng chống các bệnh thường gặp... Thời gian vừa qua, mỗi cán bộ quân y thực sự là một tuyên truyền viên trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Những tín hiệu tích cực
Trước đây, mỗi lần trái gió trở trời, đau ốm là bà La Thị Chiến (SN 1947, trú bản Vều 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) lại phải nhờ người thân chở ra Trạm Y tế xã cách nhà hơn 20km để khám bệnh. Vì quãng đường xa xôi, địa hình đồi núi, giao thông chia cắt nên việc đi lại rất khó khăn. Chính vì thế, không chỉ bà Chiến mà nhiều người dân ở bản Vều 2 rất ngại đi khám bệnh mỗi khi đau ốm.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, từ khi Đồn Biên phòng Phúc Sơn cử cán bộ quân y xuống địa bàn và triển khai mô hình “Tủ thuốc biên cương” thì nhân dân 4 bản Vều 1 - 4 không còn phải vất vả, lặn lội hàng chục cây số ra trung tâm xã nữa. Hình ảnh các cán bộ quân y đến khám bệnh tận nhà cho người dân cũng trở nên gần gũi và thân thuộc.
Tại Trạm Biên phòng bản Vều 2, nơi đặt “Tủ thuốc biên cương”, bà con có thể đến khám bệnh và được phát thuốc miễn phí bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm. Những trường hợp nặng, bà con đều được các cán bộ nơi đây tận tình hướng dẫn lên các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.
“Tôi đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, lại ở một mình nên những khi ốm đau không biết nhờ cậy ai. Từ ngày Đồn Biên phòng Phúc Sơn mở “Tủ thuốc biên cương” và cử cán bộ quân y xuống đây, tôi không còn phải nhờ người đưa đến trạm xá nữa. Chỉ cần gọi điện thoại là cán bộ đến khám, phát thuốc”, bà Chiến chia sẻ.
Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đang triển khai 6 phòng khám quân dân y và 2 “Tủ thuốc biên cương”. Ngoài khám chữa bệnh, các bác sĩ quân y tại đây còn là những tuyên truyền viên tuyên truyền người dân trên địa bàn chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19.
Khó khăn nhất hiện nay là nguồn thuốc, vật tư y tế cho các tủ thuốc còn hạn chế. Dù các đơn vị đã kêu gọi được một số nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ nhưng đa số nguồn thuốc hiện nay vẫn phụ thuộc vào thuốc cấp cho các đơn vị chưa dùng hết.
Đại tá Hồ Hữu Thắng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An - cho biết, từ khi được thành lập đến nay, mô hình “Tủ thuốc biên cương” tại 2 xã Nậm Cắn và Phúc Sơn đã tổ chức thăm khám, cấp cứu, điều trị và cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người dân, đặc biệt có cả người dân của nước bạn Lào.
Cùng với các trạm y tế địa phương, các chiến sĩ quân y còn phối hợp thực hiện nhiều chương trình y tế như: Phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Theo Đại tá Hồ Hữu Thắng, các “tủ thuốc” đã góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi, tranh thủ giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để đầu tư, trang bị thuốc cho tủ thuốc. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo các đồn khảo sát các địa bàn vùng sâu, vùng xa có đủ điều kiện hoặc theo nhu cầu của người dân, vận động xây dựng các tủ thuốc khác.