Đầu năm nay, ông Hoàng, 50 tuổi mua lại một ngôi nhà 3 tầng tại quận 6, TP HCM. Ngôi nhà mới xây năm 2015, chủ nhà xây để ở nên làm rất cẩn thận, nhưng sau đó về quê nên bán đi. Ngôi nhà có một số chi tiết khiến ông Hoàng không ưng, vì theo ông là không hợp phong thủy, nên quyết định sửa.
Để hợp hướng tuổi mình, ông xoay cửa từ hướng Nam sang hướng Tây. Khi phá bức tường ngăn cách giữa nhà bếp và phòng khách, ông cũng yêu cầu đổi bếp từ cạnh Đông nhà sang cạnh Nam để hợp hướng với vợ.
Đặc biệt, đếm đi đếm lại số bậc cầu thang trong nhà là 63, phạm vào chữ bệnh trong cụm từ “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”, ông quyết định làm thêm hai bậc nữa ở nhịp đầu tiên và cuối cùng.
Dù biết bậc đầu và cuối thấp hơn bình thường nhưng mọi người trong nhà vẫn thường xuyên bước hẫng ở đây. Tháng trước, trong lúc đi cầu thang, không để ý, ông hẫng chân, ngã trẹo chân, phải bó bột. Chân bố chưa bình phục thì hai tuần sau cậu con trai đang học lớp 10 lại mắc lỗi như bố, và cũng bó bột nốt. Phải chăm sóc hai "thương binh", vợ ông cũng đổ bệnh.
Các ngôi nhà ở phương Tây không quá chú trọng số bậc cầu thang. |
Từng tư vấn thiết kế nhiều công trình, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền đã gặp rất nhiều trường hợp gia chủ tự gây rắc rối cho bản thân do quá coi trọng phong thủy khi làm cầu thang.
Tuần trước, một khách hàng của ông cũng bị bó bột như ông Hoàng vì tự bổ sung một bậc. Suốt dọc cầu thang các bậc đều cao 170mm, trong khi hai bậc dưới cùng chỉ còn 85mm. Khi đi, vẫn quen bước với các bậc phía trên, nên bước xuống bậc áp cuối, vị khách đó khuỵu lại và lật úp bàn chân, khiến cổ chân bị đứt dây chằng. Sau tai nạn, khách hàng gọi điện nhờ kiến trúc sư sửa lại cầu thang như thiết kế cải tạo ban đầu.
Anh Tâm có một ngôi nhà rất hẹp - 3,2 x 10m - tại quận 3, TP HCM, được kiến trúc sư Truyền tư vấn chiều cao tầng 1 nên là 3,6m, Kiến trúc sư lý giải, nhà hẹp mà làm cao quá, không gian bị “ốm”, cầu thang sẽ tốn nhiều bậc hoặc phải trải dài ra hoặc phải dựng đứng lên.
Anh Tâm đi coi, thầy phong thủy phán phải làm nhà cao 4,1m khiến cầu thang chiếm gần hết diện tích tầng dưới. Vì sàn nhà các tầng đã đổ xong rồi, thấy tầng trệt không còn diện tích sử dụng, anh Tâm đành kêu thợ đập cầu thang đi, đổ lại cầu thang mới. Cầu thang lùi vào thì độ dốc cao lên, gia đình anh đành chấp nhận bước lên cầu thang phải thật cẩn thận.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho rằng, trong việc xây nhà, phong thủy chủ yếu giải quyết về mặt tâm lý. Bởi về mặt cơ học, vật lý học, kiến trúc sư đã tính toán hết công năng của một công trình để gia chủ không gặp khó khăn khi sử dụng. Khoa học phong thủy là làm sao để cuộc sống của con người hài hòa với môi trường xung quanh.
Ông Truyền cho biết, các cầu thang ở châu Âu không đếm "sinh lão bệnh tử" nhưng một nghiên cứu cho thấy cầu thang nên làm số bậc lẻ, vì mỗi người đều có một chân thuận và một chân không thuận. Khi bước lên cầu thang, chúng ta sẽ đưa chân thuận làm trụ, khi đến nơi cũng đưa chân thuận làm trụ, như thế đi cảm thấy thoải mái nhất, nhẹ nhàng nhất.
Ngày xưa, các cụ cũng làm bậc tam cấp mà không phải nhị hay tứ, ngũ cấp. Có điều cái cụm "sinh lão bệnh tử" ăn sâu trong tiềm thức khiến nhiều người không làm đúng như vậy thì thấy hoang mang.
Theo ông Truyền một cầu thang lý tưởng là có chiều cao của các bậc 150 - 175 mm; chiều rộng 250 - 30 mm (tương đương một bàn chân); chiều ngang cầu thang thường là 90 mm để hai người có thể tránh nhau được; tối đa 15 bậc phải có chiếu nghỉ. Tuy nhiên một số cầu thang làm tùy hứng nên đôi khi gây ra phiền phức khi sử dụng.
Ngoài ra, thang thẳng đi dễ hơn thang cong, thang xoắn; bậc thang hình chữ nhật dễ sử dụng hơn bậc thang hình tam giác, đi cầu thang có chiếu nghỉ đỡ mệt hơn đi cầu thang một lèo từ dưới lên trên mà không được nghỉ bước nào.
Giảng viên Nguyễn Võ Uyên Mi, giám đốc một học viện phong thủy tại TP HCM cho biết, khoa học phong thủy nghiên cứu về “khí” không đề cập đến số bậc cầu thang nên thực ra gia chủ không cần quá lo lắng.