Từ siêu mẫu đến nữ giảng viên đại học

GD&TĐ - Một lần, lục tìm kho tài liệu lưu trữ của gia đình, nhiếp ảnh gia kiêm đạo diễn Beniamino Barrese tình cờ bắt gặp những bức ảnh cắt từ tạp chí thời trang Vogue.

Benedetta Barzini năm 73 tuổi và thời trẻ.
Benedetta Barzini năm 73 tuổi và thời trẻ.

Ông thấy người phụ nữ trong những bức ảnh chính là mẹ ông - nhà hoạt động cánh tả, nhà nữ quyền cấp tiến và nữ giảng viên nổi tiếng người Ý đã từng một thời sải bước trên sàn diễn thời trang. Nhiều năm liền Benedetta Barzini đã giấu các con mình là một người mẫu thời trang.

Khởi đầu và kết thúc sự nghiệp

Benedetta Barzini sinh năm 1943 trong gia đình nhà báo Luigi Barzini và Giannalisa Feltrinelli. Khi siêu mẫu tương lai chỉ mới 20 tuổi, vốn là một thiếu nữ cao, gầy nhom với đôi mắt thâm quầng, bà được Consuelo Crespi, biên tập viên tạp chí Vogue Ý, phát hiện trên đường phố.

Sau một thời gian, những bức ảnh của Benedetta rơi vào tay Diana Vreeland, tổng biên tập tạp chí Vogue, và bà đã mời cô gái đến New York. “Sẽ không lâu đâu, ai cần mình ở đó cơ chứ?”, Benedetta nghĩ. Bà quyết định đến New York vài ba ngày... thế rồi ở lại 5 năm.

Ngoại hình ấn tượng của Benedetta Barzini đã chiếm được cảm tình của các nhiếp ảnh gia Mỹ danh tiếng. Táo bạo và thanh lịch, bà làm mẫu cho nhiếp ảnh gia thời trang Richard Avedon.

Sau này Benedetta sẽ nói: “Máy ảnh là kẻ thù của tôi”. Nhưng lúc bấy giờ, bà diện áo lông thú và váy lụa sang trọng tại tuần lễ thời trang, nhận lời mời tham dự “Vũ hội Black and White” của Capote, và cuối cùng được Tổng thống Kennedy mời dự tiệc.

Nhan sắc của bà khiến họa sĩ Andy Warhol vốn thờ ơ với phụ nữ, cũng mê mẩn, cha đẻ của nghệ thuật đại chúng đã làm thơ tặng bà. Tháng 11/1965, lần đầu tiên bà xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue Ý. Năm 1966, Benedetta Barzini được Harper’s Bazaar bình chọn là 1 trong 100 gương mặt đẹp nhất thế giới.

Bà khiến họa sĩ Salvador Dali mê như điếu đổ. Nhưng vì lý do nào đó, bà luôn cảm thấy lạc lõng, không coi mình là chủ nhân của các sự kiện, mà như một khán giả vô tình bị lôi kéo vào các buổi biểu diễn nhàm chán.

Thế giới lướt qua trước mắt bà, ánh đèn máy ảnh nhấp nháy, New York hào nhoáng và ồn ào xung quanh, những tên tuổi lớn, những gương mặt trên trang bìa... Còn Benedetta luôn nghĩ: Rốt cuộc, mình làm gì ở đây?

Tuổi nghề của các người mẫu vốn ngắn ngủi. Năm 25 tuổi, Benedetta đã bắt đầu ít nhận được lời mời chụp ảnh hơn và người ta bắt đầu nói rằng đã đến lúc bà phải tìm một đám giàu có và kết hôn với anh ta càng nhanh càng tốt.

Nhưng bà không muốn trở thành bông hoa tàn trong bó hoa của một nhà triệu phú nào đấy, kể cả khi anh ta không coi bà như một vật trang sức, mà là một nhân cách.

Vì vậy ở tuổi 25, Benedetta kết thúc sự nghiệp người mẫu của mình (không phải hoàn toàn, vì bà vẫn được mời tham gia các chương trình biểu diễn thời trang cả vào năm 50 và 70 tuổi). Bà trở về Milan và từ đó bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác.

Trở thành nhà hoạt động xã hội tích cực

Năm 1965, lần đầu tiên Benedetta xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue Ý.

Năm 1965, lần đầu tiên Benedetta xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue Ý.

Ở quê nhà, Benedetta phát hiện ra một điều khá khó chịu: Bà không có gì cả. Không kinh nghiệm làm việc, không tài sản, không địa vị xã hội nào ngoài danh hiệu “cựu siêu mẫu”. Thời kỳ này, bà lại quan tâm tới điện ảnh (bà đã từng đóng phim trong những năm làm người mẫu), và gặp đạo diễn Roberto Faenza. Họ kết hôn, Benedetta có thai và chuẩn bị cho ra đời một cặp song sinh.

Vào đêm trở dạ, Faenza cắt đứt quan hệ với vợ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu bà kết hôn với người chồng thứ hai, Antonio Barrese, và cũng sinh được hai người con. Tưởng chừng như câu chuyện về “cựu siêu mẫu” đã kết thúc (một bà mẹ đông con, một người vợ chung thủy, một cuộc sống tiểu tư sản sung túc).

Nhưng tại đây, câu chuyện của nhà hoạt động cánh tả và biểu tượng nữ quyền Benedetta Barzini bỗng nhiên bắt đầu. Bà chính là người được hội đồng thành phố Milan trao tặng huy chương vì những đóng góp xuất sắc trong cuộc đấu tranh vì quyền của phụ nữ vào năm 2017.

Tranh đấu

Năm 1973, Benedetta Barzini gia nhập đảng Marxist và cũng trong quãng thời gian đó, bà bắt đầu tham gia hoạt động nữ quyền. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, bà làm nghề dạy học. Ban đầu, bà giảng dạy nhân chủng học, nhưng sau đó, bà chuyển sang nghiên cứu giới tính.

Benedetta Barzini tích cực thuyết trình về vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật và nhiếp ảnh, về việc giới truyền thông áp đặt lên người phụ nữ một hình ảnh cụ thể: “Phụ nữ làm mẹ”, “phụ nữ - bản năng” (phi lý, phi logic, không có khả năng hoạt động trí tuệ), về việc chủ nghĩa tư bản sử dụng quảng cáo khiến phụ nữ ngày càng lo lắng về ngoại hình của mình, họ mua sắm nhiều mỹ phẩm, quần áo thời trang (chứ không phải thứ họ thích), phẫu thuật thẩm mỹ...

Bà giảng dạy tại Đại học Bách khoa Milan, Học viện Mỹ thuật Mới, Đại học Urbino, và trở thành một trong những nhà nữ quyền có ảnh hưởng nhất trong giới hàn lâm.

May mắn vì không còn xinh đẹp

Theo Benedetta Barzini, càng ngày hình ảnh phản chiếu trong gương càng khiến bà vui hơn. Bà yêu mến cụ già mặc chiếc quần jean rách này hơn người đẹp tóc đen trong bộ váy lụa sặc sỡ một thời. Nhiều người sợ đánh mất nhan sắc của mình, nhưng Benedetta nói rằng với bà đó là sự giải thoát.

Bởi theo bà, gương mặt nhăn nheo với bờm tóc bạc trông giống con người đích thực, chân thật của bà hơn là một thiếu nữ luôn luôn bận tâm về việc hai hàng lông mi của mình có cong hay không.

Thời trẻ, nhiều lần bà tham gia các buổi biểu diễn thời trang của các thương hiệu ủng hộ nữ quyền với mục đích truyền bá tư tưởng “sắc đẹp ở mọi lứa tuổi”, nhưng nhìn chung, bà không tin vào thành công của hình thức tuyên truyền này. Chuẩn mực cần phải phá bỏ, chứ không phải mở rộng.

Vào những năm 2010, Benedetta Barzini kết thúc hoạt động xã hội và giảng dạy của mình, bà quyết định chọn cách sống ẩn dật và dành thời gian để suy ngẫm. Tự do thực sự đã đến.

Làm phim về mẹ

Trong khi đó, đạo diễn Beniamino Barrese đã làm một bộ phim về mẹ mình. Đây là câu chuyện của người con trai mơ ước khám phá tất cả những bí mật của mẹ mình. Còn bà lại tìm mọi cách chạy trốn ống kính máy quay.

Trong bộ phim này, Benedetta nói nhiều về việc nghề thời trang làm mất cá tính và biến những con người sống động thành những đồ vật “đẹp”.

“Sự tôn thờ tiêu chuẩn cái đẹp một cách mù quáng đã xóa nhòa cá tính riêng của người phụ nữ và tước đoạt quyền lực của họ” - bà nói từ bục giảng đường đại học và tại các show diễn, bà nói với các khán giả và với chính bản thân mình.

Tuy nhiên, nghề thời trang đang thay đổi theo thời gian. Ngày nay, những người phụ nữ có quan điểm nữ quyền đang đứng đầu các thương hiệu lớn, ví dụ như nữ doanh nhân kiêm nhà thiết kế thời trang, tỷ phú người Ý Miuccia Prada dễ dàng phá bỏ định kiến, từ chối cái đẹp hào nhoáng và tìm cách thể hiện sức mạnh của người phụ nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ