Tủ sách Bác Hồ nuôi dưỡng tâm hồn học trò

GD&TĐ - Trong thư viện trường học, ngoài sách về danh nhân, Tủ sách Bác Hồ luôn được đặt ở vị trí trung tâm, trang trọng.

Học sinh Trường THCS Hưng Đạo cùng nhau đọc và thảo luận về những cuốn sách viết về Bác. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Hưng Đạo cùng nhau đọc và thảo luận về những cuốn sách viết về Bác. Ảnh: NTCC

Đây là nơi sinh hoạt của tập thể sư phạm, học sinh… Chìm đắm trong từng trang sách giúp tâm hồn các em thêm tươi mới, biết lắng nghe, chia sẻ… nhiều hơn.

Học hỏi từ câu chuyện về Bác

Là cán bộ thư viện tại Trường Tiểu học Tràm Chim 2, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cô Nguyễn Thu Cúc gặp nhiều trường hợp học sinh bướng bỉnh, cá tính, khi mắc lỗi thường không chịu nhận sai. Vì vậy, giáo viên và nhân viên thư viện tìm cách giáo dục những học sinh này bằng nhiều cách khác nhau.

Cô Cúc chia sẻ: “Để các em nhận ra lỗi lầm và sửa sai, tôi thường chọn những câu chuyện nhỏ về Bác Hồ kể cho học sinh, từ đó liên hệ với bản thân các em. Cách làm này không chỉ giúp trẻ nhận thức tốt hơn, mà còn làm quen cách học từ sách vở và những câu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ”.

Tại Trường Tiểu học Tràm Chim 2, Tủ sách Bác Hồ được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm trong các phòng đọc sách, phòng giáo viên, truyền thống… Hằng năm, những cuốn sách về Bác được ưu tiên bổ sung với nội dung phong phú như tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.

Bên cạnh đó, sách viết về Bác được thư viện phân bổ về các tủ sách góc lớp với nhiều nội dung gắn với chủ đề, chủ điểm tháng như: Kết hợp giáo dục đạo đức, giáo dục vệ sinh thân thể, vệ sinh cá nhân, tinh thần đoàn kết… Học sinh cũng được nhắc nhở thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thông qua đọc sách viết về Bác.

Học sinh Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đọc sách về Bác Hồ. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đọc sách về Bác Hồ. Ảnh: NTCC

Xây dựng văn hóa đọc và giáo dục học sinh qua văn hóa đọc là nội dung được các trường phổ thông quan tâm, tích cực triển khai nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống sau này. Trong đó, giáo dục học sinh qua Tủ sách Bác Hồ đóng vai trò quan trọng.

Trường Tiểu học A Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang) luôn bổ sung sách và cải tạo thư viện để tạo không gian thoáng đãng, thuận tiện và thu hút học sinh đến đọc sách. Ngoài ra, trường thường xuyên phối hợp với xã đoàn, tham mưu với lãnh đạo UBND xã để tìm kiếm nguồn tài trợ sách bổ sung cho thư viện.

Đơn cử, trong năm 2021, 2022 và đầu năm 2023, điểm trường chính và điểm lẻ đều được nhà hảo tâm ủng hộ khoảng 4.000 đầu sách, trong đó có nhiều sách viết về Bác Hồ. Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng một Tủ sách Bác Hồ để học sinh dễ dàng tìm đọc những câu chuyện hay và ý nghĩa về “vị cha già của dân tộc”.

Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Dồi cho biết: Nhằm tăng cường giá trị của Tủ sách Bác Hồ, trong kế hoạch năm học, kế hoạch giáo dục, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên tích hợp, lồng ghép đề tài về Bác vào các môn học. Mỗi tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường tổ chức cho một lớp kể chuyện về Bác Hồ. Học sinh và giáo viên sẽ cùng nhau thảo luận về bài học rút ra từ câu chuyện và bài học cho bản thân.

Để nuôi dưỡng tâm hồn học sinh qua Tủ sách Bác Hồ, nhà trường tiếp tục cải tạo, mở rộng thư viện; sáng tạo góc thư viện ngoài trời, lớp học và bổ sung thường xuyên các đầu sách về Bác. Từ đó, học sinh có điều kiện thuận lợi nhất để tham gia đọc sách, tiếp cận các câu chuyện về Bác cùng nhiều danh nhân nổi tiếng trong nước và thế giới. Điều này cũng góp phần tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho các em.

Thư viện trường học tại tỉnh Đồng Tháp được đầu tư khang trang, rộng rãi. Ảnh: Trường Tiến.
Thư viện trường học tại tỉnh Đồng Tháp được đầu tư khang trang, rộng rãi. Ảnh: Trường Tiến.

Nuôi dưỡng giá trị sống tốt đẹp

Thầy Phạm Ngọc An, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), cho biết: Năm 2015, sau khi thư viện nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất, Đoàn Thanh niên và Liên đội Trường THCS Hưng Đạo đã kết hợp xây dựng Tủ sách Bác Hồ.

Đối tượng hướng đến là học sinh, giờ đọc chủ yếu kết hợp với giờ ra chơi hoặc sinh hoạt chủ điểm nên Tủ sách xoay quanh câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương Bác Hồ.

Những cuốn sách được chọn thường có nội dung súc tích, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Đó là những cuốn sách viết về Bác như Kể chuyện Bác Hồ (NXB Lao động), Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (NXB Chính trị quốc gia), Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), Chuyện kể Bác Hồ với học sinh (NXB Dân trí)...

Bên cạnh đó là các tác phẩm của Bác như Nhật ký trong tù, Đường Kách mệnh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyển tập Thơ văn Hồ Chí Minh (NXB Lao động)... Hay những cuốn sách viết về Bác và các em thiếu niên nhi đồng như Bác Hồ với học sinh, sinh viên (NXB Lao động), Bác Hồ với thiếu nhi miền núi, Chuyện kể từ làng Sen (NXB Lao động)...

Thầy An chia sẻ, đầu tuần, trong giờ sinh hoạt tập thể, lớp trực ban sẽ cử một bạn kể chuyện về Bác. Hoạt động này không chỉ giúp lan tỏa văn hóa đọc mà học sinh tiếp nhận bài học về đạo đức lối sống dễ hiểu, dễ nhớ và có thể vận dụng vào cuộc sống.

Ngoài việc học từ Bác qua trang sách, trong tháng 5 có chủ điểm mừng sinh nhật Bác, nhà trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho học sinh tham gia như thi vẽ tranh về Bác Hồ... Đội tuyên truyền măng non đọc các câu chuyện về Bác trong chương trình phát thanh. Đặc biệt, trường tổ chức cuộc thi tìm kiếm “Ngôi sao phát thanh” với các câu chuyện về tấm gương Hồ Chí Minh…

Để tham gia hoạt động, cuộc thi do trường tổ chức, em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Hưng Đạo, thường tranh thủ giờ ra chơi lên thư viện đọc, mượn và tìm hiểu các cuốn sách về Bác.

“Em thích đọc những cuốn sách viết về cuộc đời của Bác. Qua từng trang sách, em học được nhiều điều ý nghĩa như tình yêu gia đình, quê hương; tinh thần tương thân tương ái; tính kỷ luật, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm... Ngoài ra, em còn được trau dồi ngòi bút và vốn từ vựng”, Như Quỳnh bộc bạch.

Với việc duy trì Tủ sách Bác Hồ, Liên đội tin tưởng rằng, phong trào đọc sách, học và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh sẽ ngày càng đi vào chiều sâu trong các trường học. Từ đó, không chỉ giúp ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện tốt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà qua đây góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh. - Thầy Phạm Ngọc An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nguy cơ từ 'quà vặt miễn phí'

GD&TĐ - Trước các cổng trường, nhất là các trường tiểu học và trung học cơ sở, luôn có những người bán quà vặt.