Từ phương án quy hoạch dinh Tỉnh trưởng của Lâm Đồng: Đừng “ép” di sản vào thế đã rồi!

GD&TĐ - Lâm Đồng đã thống nhất chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng cao hơn so với vị trí ban đầu 28m - để thực hiện tổ hợp khách sạn cao tầng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Từ tháng 8/2020, UBND TP Đà Lạt đã đưa ra 3 phương án quy hoạch không gian đồi Dinh - nơi có dinh Tỉnh trưởng để lấy ý kiến đóng góp.

Cuối tháng 10/2021, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng được đa số ý kiến đồng thuận, lựa chọn.

Theo miêu tả, thì phương án này có ý tưởng làm lộ rõ hơn vị trí đồi Dinh và hướng đến một “ngọn đồi mới” thông qua việc đan cài một dự án khách sạn L’Hotel du Printemps Eternel phía dưới công trình dinh Tỉnh trưởng (cũ) với vườn thực vật, không gian hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng, lưu trú...

Bảo tàng Lịch sử Đà Lạt trong kiến trúc dinh Tỉnh trưởng (cũ) được bảo tồn nguyên vẹn nhưng được nâng cao 28m so với vị trí hiện tại.

Ngay thời điểm công bố các phương án, dư luận xã hội cũng như những người làm chuyên môn quy hoạch kiến trúc trong và ngoài nước, đã lên tiếng phản đối với cả 3 phương án đưa ra. Lý do dư luận phản đối vì phương án nào cũng hướng đến việc xây dựng một công trình khách sạn đồ sộ, tổ hợp dịch vụ cao tầng và xâm hại tính toàn vẹn không gian đồi Dinh.

Theo các chuyên gia, đây là mảng xanh công cộng duy nhất ở khu trung tâm Hòa Bình. Đồi Dinh được xem là khu đất vàng, điểm cao nhất ở khu vực trung tâm Đà Lạt.

Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt được xây dựng từ trước năm 1910 với lối kiến trúc Pháp, 2 tầng lầu, 1 tầng trệt gắn với lịch sử hình thành phát triển của thành phố Đà Lạt. Đây là nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia.

PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên - chuyên gia về di sản nói rằng, chưa có một đô thị nào ở Việt Nam được thiết kế xây dựng bài bản ngay từ đầu như Đà Lạt. Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng cùng thời với những ngày đầu xây dựng thành phố, nên nó là dấu ấn ghi lại bản sắc. Đây là di sản lịch sử, chứ không đơn thuần là công trình kiến trúc nghệ thuật.

Thế nhưng, Đà Lạt mộng mơ đang phải đối mặt với một dự án tổ hợp khách sạn cao tầng. Chúng ta dễ nhận ra sự mơ hồ khi ai đó nói “đưa dinh lên 28m và giữ nguyên vẹn”. Kết cấu của nhà xây không giống với nhà rường, nhà sàn – có thể tháo ra ráp vào.

Cũng không có “Thần đèn” nào dám hoặc khẳng định giữ nguyên vẹn cho di sản đã cũ như dinh Tỉnh trưởng lên cao 28m. Có đi chăng nữa, có thể đó là kịch bản để “ép” di sản vào thế đã rồi khi đập đi “nhái” lại một công trình tương tự.

Trong khi ở các thành phố tại châu Âu, người ta luôn suy nghĩ đến việc làm sao tăng cường mảng xanh thì chúng ta làm ngược lại. Trong khi thế giới cố gắng tránh động chạm tổn hại đến các giá trị lịch sử - văn hóa, thì chúng ta cũng ngược lại.

Làm ngược lại thì có lợi gì? – câu hỏi này dành riêng cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trả lời – bởi họ là những người hiểu rõ nhất!.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.