Từ phát ngôn 'bỏ học' dậy sóng của rapper Negav

GD&TĐ - Đêm concert 'Anh trai say hi' cuối tuần qua làm dư luận dậy sóng vì một phát ngôn... lạc lõng, thiếu suy nghĩ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đêm concert “Anh trai say hi” cuối tuần qua làm dư luận dậy sóng không phải vì sự bứt phá, tỏa sáng của nhân tố nào đó mà lại vì một phát ngôn... lạc lõng, thiếu suy nghĩ. Đó là khi giao lưu với khán giả, rapper Negav cất cao giọng hỏi: “Mẹ có thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?”.

Một số ý kiến có phần “đồng cảm” khi lý giải đó là sự bộc phát nghĩ sao nói vậy của rapper trẻ người non dạ này. Có thể đó là cảm xúc thật của Negav dù nghỉ học đại học giữa chừng (do chọn ngành, chọn trường không đúng theo sở trường, sở thích) song giờ vẫn gặt hái được ít nhiều thành công trên con đường âm nhạc, nhất là đang tạo ấn tượng ở “Anh trai say hi”.

Thế nhưng, số đông đã không đồng tình thậm chí còn phản ứng gay gắt vì rõ ràng đang trình diễn, giao lưu với khán giả trẻ mà sao một người của công chúng lại có thể đưa ra câu hỏi như thế.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng cậu ta quá tự mãn với những gì mình đang có thì nổi bật là lo ngại: Một câu nói xuất phát từ thực tế của chính bản thân rapper này (bỏ học đại học) thì sẽ tác động như thế nào đến giới trẻ, thậm chí nó có thể trở thành lời cổ súy cho việc không cần học mà vẫn có được sự nổi tiếng, cuộc sống dư dả...

Ngay sau đó, rapper này đã đăng đàn xin lỗi công khai trên Facebook, Instagram và nối tiếp là những bình luận từ phía gia đình Negav (mẹ và anh trai) cùng mong công chúng “tha thứ cho sơ suất này của bé An. Đây cũng là bài học nhớ đời ở tuổi 23 cho bé An” (Negav tên thật là Đặng Thành An, sinh năm 2001 - PV).

Như vậy, trước phản ứng của khán giả, bản thân người phát ngôn đã nhanh chóng nhận ra lời nói của mình về việc đi học – bỏ học gây hiểu lầm vì “sai ngữ cảnh”, và hứa sẽ kiểm soát điều đó cẩn thận hơn. Chia sẻ từ phía gia đình về “bé An” cũng thể hiện sự chân tình, tha thiết. Động thái này cần được ghi nhận và nên rộng lòng mở ra cơ hội để ai lỡ sai vẫn cần được thể hiện, chứng minh.

Đó cũng chính là bài học đặc biệt về lòng bao dung, nâng dậy cho những người biết lỗi và sửa.

Ở đây, điều cần hơn cả là đưa ra góc nhìn có những phân tích chí lý, giúp họ mở mang về tầm nhìn, thay đổi về nhận thức đối với giá trị của việc học tập suốt đời - một sự học tập, rèn luyện không hẳn chỉ ở trường lớp mà ở cả trong gia đình, xã hội để nâng cao tri thức, tiếp tục đứng dậy, cống hiến tài năng, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, an vui.

Bài học này không dành cho riêng ai mà mỗi người đều có thể nhìn vào đó để xốc lại tinh thần học tập suốt đời của mình. Và, dù là ai, làm việc gì thì hãy say mê học tập bất cứ ở đâu và khi nào có thể; đồng thời hãy không ngừng truyền cảm hứng điều đó đến tất cả mọi người!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.