Ở nhiều nước trên thế giới nghề trang trí đồng hồ không còn xa lạ, nhưng tại Việt Nam đây vẫn được xem là bộ môn nghệ thuật nhiều mới mẻ. Số lượng người đủ đam mê để theo đuổi nghề này không nhiều và Vũ Thùy Dương thường được giới mộ điệu xem là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp.
Đối với nghệ thuật chế tác đồng hồ, tiểu hoạ là một trong những bảo chứng cho sự hoàn thiện về kỹ thuật, cũng như mỹ thuật ở các sản phẩm cao cấp. Nghệ thuật tranh tiểu họa đòi hỏi sự tinh thông về những kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mẩn và vô cùng tinh tế.
Để có thể thực hiện được những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 4cm, người họa sĩ cần có sự tập trung cao độ và làm việc dưới kính hiển vi. Có như thế từng chi tiết nhỏ nhất cũng thể bị bỏ qua.
Chị Dương chia sẻ: “Muốn người khác mê đắm tác phẩm của mình là một hành trình nhọc nhằn và nhiều gian nan. Ở đó không chỉ có tình yêu mà còn cần tới sự sáng tạo, sự tích lũy văn hóa đọc, văn hóa sống... Và nữa, người nghệ sỹ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên từng tác phẩm. Hay nói như danh họa Nguyễn Sáng, nếu nghệ sỹ không moi ký ức gan ruột của mình ra để làm nghệ thuật, để sáng tác thì chỉ tạo ra những thứ vô giá trị mà thôi”.
“Không giống với các dòng tranh dân gian quý của Việt Nam như Đông Hồ hay Kim Hoàng sử dụng hoàn toàn kỹ thuật in khắc gỗ, tranh dân gian Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Do đó, các nét trong tranh Hàng Trống rất tinh tế và giống với kỹ thuật đi nét của nghệ thuật tiểu họa đồng hồ. Dựa trên những giá trị truyền thống đã được sàng lọc, định danh làm căn cốt, Dương đã tiếp tục sáng tạo, chế tác bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ Ngũ Hổ Thần Tướng theo nội dung bức tranh Ngũ Hổ nổi tiếng của dòng tranh này. Không chỉ là một tác phẩm để chào đón xuân Nhâm Dần, đây còn là mốc khởi đầu trong hành trình đem đến cho mọi người hiểu thêm về “những điều xưa cũ mới mẻ”.